Ký kết hợp tác giữa Sở Thông tin và Truyền thông với Zalo. |
Kiến trúc chính quyền điện tử (CQĐT) tỉnh Bình Thuận là cơ sở đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, góp phần phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Là cơ sở khoa học giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả khi triển khai công tác ứng dụng CNTT của tỉnh trong thời gian tới, tăng cường khả năng kết nối liên thông, tích hợp, chia sẻ, sử dụng lại thông tin, cơ sở dữ liệu các sở ngành, các bộ ngành nhằm tạo thuận lợi trong việc giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính công cho các tổ chức doanh nghiệp và người dân bất kể trong hay ngoài giờ làm việc với mục tiêu chuyển từ chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ. Tăng cường khả năng giám sát, đánh giá đầu tư, đảm bảo triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đồng bộ, hạn chế trùng lặp, tiết kiệm chi phí, thời gian triển khai của cơ quan nhà nước… Kiến trúc CQĐT tỉnh Bình Thuận áp dụng cho toàn bộ các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh bao gồm: HĐND và UBND tỉnh; cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; HĐND, UBND huyện; HĐND và UBND xã.
Theo kế hoạch, kiến trúc CQĐT tỉnh Bình Thuận sẽ được triển khai thực hiện trong 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ năm 2018 đến năm 2019 xây dựng nền tảng CQĐT tỉnh; giai đoạn 2 đến năm 2020 xây dựng kiến trúc CQĐT tỉnh; giai đoạn 3 từ năm 2021 hoàn thiện kiến trúc CQĐT tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai nhấn mạnh: Xây dựng CQĐT là góp phần quan trọng vào việc công khai minh bạch, giảm các thủ tục phiền hà, nhũng nhiễu cho người dân. Từ đó tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả công việc, bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả của chủ trương cải cách thủ tục hành chính; ứng dụng CNTT phục vụ hoạt động điều hành nội bộ, người dân và doanh nghiệp trong việc kết nối và thực hiện các dịch vụ hành chính công đối với người dân và doanh nghiệp…
Tại hội nghị, Sở Thông tin và Truyền thông đã ký kết hợp tác với Zalo xây dựng kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Bình Thuận.
ĐÌNH HÒA