Đặc biệt, tình hình gây ô nhiễm môi trường dai dẳng của 2 trại heo Bình Dương và Phạm Thiện ở xã Tân Xuân, nhất là việc xả nước thải ra môi trường làm ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của người dân thị xã La Gi mặc dù đã được ngành chức năng giám sát. Giải pháp phù hợp nhất được các cử tri kiến nghị là cho di dời các trại heo này xuống dưới hạ nguồn để không ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt người dân.
Ngoài ra, 2 trại chăn nuôi heo An Hợp Phát tại xã Hàm Cường và trại nuôi heo Tuấn Anh tại xã Thắng Hải cũng đang gây ô nhiễm nặng phải tăng cường thanh tra. Việc thường xuyên xả thải vào ban đêm của Công ty Hải Sơn (Phú Hài), việc khai thác titan của công ty Phú Hiệp, Mũi Né cũng có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân xung quanh khu vực.
Cử tri cũng đề nghị xem xét bố trí nguồn vốn duy tu, sửa chữa các tuyến đường để đảm bảo an toàn giao thông. Cụ thể là sớm thanh toán nợ kinh phí làm đường giao thông nông thôn cho các xã Nghị Đức, Đức Tân, Huy Khiêm (Tánh Linh) đã về đích nông thôn mới; đền bù thích hợp đối với diện tích đất của bà con nhân dân bị thu hồi nằm trong Dự án năng lượng Mặt Trời tại xã Hồng Phong (Bắc Bình); thi công lại cây cầu Tân Hà bị sập do mưa lũ và làm thêm các cây cầu khác qua kênh tiếp nước Biển Lạc….
Ở lĩnh vực đất đai, có nhiều ý kiến cử tri cho rằng việc tăng hệ số vượt hạn mức đất nông nghiệp khi chuyển mục đích sử dụng sang đất ở lên gấp đôi làm cho các hộ gia đình phân chia đất cho các thành viên trong gia đình không có khả năng nộp thuế; vì hệ số vượt hạn mức tăng gấp đôi, đồng nghĩa là số thuế cũng tăng gấp đôi. Do đó tỉnh cần xem xét điều chỉnh, chỉ áp dụng cho các trường hợp kinh doanh bất động sản sau khi phân lô bán đất nền hoặc đề nghị tăng giá đất giữ nguyên hệ số vượt hạn mức cũ để nhà nước và nhân dân cùng có lợi khi thực hiện các quyền và nghĩa vụ đối với đất đai.
Cử tri xã Phan Sơn (Bắc Bình) kiến nghị tỉnh nên xem xét chủ trương thu hồi diện tích đất nông nghiệp để đầu tư Dự án năng lượng Điện Mặt trời phù hợp hơn. Bởi hiện nay người dân xã đang thiếu đất sản xuất.
K.Ngọc