Paris vẫn là Paris
Quay trở lại khoảng thời gian tháng 2/2017, trong một cuộc hội thảo, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kể về một người bạn của ông có tên là Jim, người mà ông Trump mô tả là một “anh chàng rất, rất đáng trân trọng”, người rất yêu Paris – kinh đô ánh sáng nhưng đã không tới đó nữa bởi vì “Paris giờ không còn là Paris nữa”. Nhưng có thể Jim nên cân nhắc thay đổi suy nghĩ của mình và quay trở lại đó.
Lá phiếu của cử tri Pháp không chỉ quan trọng đối với hai ứng cử viên đang chạy đua cho cương vị Tổng thống mà còn với cả châu Âu. (Ảnh: Reuters) |
Bản thân ông Trump đã viết trên Twitter 2 ngày trước khi cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vòng 1 diễn ra, trong đó cho rằng, vụ tấn công khủng bố mới nhất ở Paris sẽ gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý cử tri Pháp và mang lại lợi thế cho ứng cử viên Marine Le Pen của đảng cực hữu Mặt trận quốc gia.
Tuy vậy, khi cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vòng 1 diễn ra hôm 23/4, Paris vẫn là Paris, bà Le Pen thậm chí không đạt được 5% phiếu bầu từ các cử tri ở Paris. Thống kê cho thấy, kết quả bà Le Pen đạt được ở khu vực nông thôn và những thị trấn nhỏ có vẻ khả quan hơn nhưng cũng chỉ dừng ở mức 21,8% so với 24% số phiếu bầu mà ứng cử viên của phong trào "Tiến bước" Emmanuel Macron đạt được.
Có sự ảnh hưởng không thể chối cãi của “hiện tượng” Brexit cũng như chiến thắng đầy bất ngờ của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm 2016 đối với cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vòng 1 vừa qua. Pháp đương nhiên không thể “miễn nhiễm” với sự nổi lên của chủ nghĩa dân túy ở phương Tây vài năm trở lại đây.
Cử tri Pháp không đứng ngoài xu thế
Có thể thấy ở đây là sự tức giận của cử tri đối với sự bất bình đẳng và thiếu công ăn việc làm, sự bất mãn với toàn cầu hóa và nhập cư cũng như hệ thống chính trị “xưa cũ”. Điều này được minh chứng bằng những con số thống kê cụ thể rất đáng chú ý: trong số 11 ứng cử viên tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vòng 1 có tới 8 người chỉ trích, chống lại Liên minh châu Âu (EU). Tổng số phiếu mà những ứng cử viên này đạt được là 49,6%.
Người ta nhìn thấy ở cuộc bỏ phiếu bầu cử Tổng thống Pháp xu hướng rõ ràng từng diễn ra trong các cuộc bầu cử gần đây tại hai quốc gia thành viên khác của EU là Áo và Hà Lan. Ở cả 3 cuộc bầu cử này, các lực lượng chống chủ nghĩa dân túy đã giới thiệu những gương mặt để “dung hòa” được sự tức giận đang ngày một lên cao từ phía người dân.
Nếu như ở Áo, ứng viên Tổng thống Van der Bellen giành chiến thắng không hề dễ dàng, ở cuộc bầu cử Quốc hội Hà Lan người ta nhìn thấy nỗ lực kiên định ủng hộ châu Âu thắng thế thì ở Pháp, người được “chọn mặt gửi vàng” là một chính trị gia trẻ tuổi – người mà chính sự thiếu kinh nghiệm chính trường lại là một tài sản quý báu cùng với cam kết thay đổi hệ thống chính trị đã giúp ông giành được cảm tình của cử tri.
Đối với những người ủng hộ bà Marine Le Pen, Liên minh châu Âu (EU) là điều gì đó đang gây cản trở và khó khăn cho nước Pháp khi không thể làm gì để ngăn chặn làn sóng nhập cư ồ ạt, trong khi đó, khu vực đồng tiền chung châu Âu đang ngăn cản Chính phủ Pháp có thể kiểm soát chính sách kinh tế và tiền tệ của mình.
Đối với ông Macron, Liên minh châu Âu là cơ quan có thể giúp Pháp tiếp tục cuộc chơi và tự bảo vệ mình trong một thế giới toàn cầu hóa. Trong khi đó, biên giới mở và đồng tiền chung giúp tăng cơ hội làm ăn kinh tế cho công dân Pháp. Về cơ bản, châu Âu mạnh mẽ hơn khi sát cánh bên nhau.
Đây là sự lựa chọn rõ ràng mà cử tri Pháp sẽ phải đưa ra quyết định trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vòng 2 diễn ra vào ngày 7/5. Dù có lựa chọn phương án nào thì sự đồng thuận về chính trị dựa trên các giá trị châu Âu vốn cho phép hai đảng chính thống cánh tả và cánh hữu luân phiên nắm quyền điều hành đất nước trong ba thập kỷ qua đã bị phá vỡ.
Con đường của ông Macron sẽ không bằng phẳng
Sự phân chia quyền lực quen thuộc không còn, bức tranh chính trị ở Pháp được “vẽ lại” bằng sự gia tăng ổn định vị thế của đảng Mặt trận Quốc gia với tư tưởng hoài nghi châu Âu. Thay vì “núp” trong cái bóng của chủ nghĩa dân túy đang lên, ứng cử viên Emmanuel Macron sớm chọn giương cao ngọn cờ châu Âu trong chiến dịch tranh cử của mình.
Ứng cử viên Emmanuel Macron “sáng cửa” trở thành Tổng thống Pháp. (Ảnh: Pool photo) |
Lựa chọn của ông Macron đi ngược lại với số đông những ứng cử viên lợi dụng sự đi lên của chủ nghĩa dân túy để giành cho mình sự ủng hộ của cử tri gây ngạc nhiên lớn cho các đối thủ nhưng rốt cuộc, nó đã thu được kết quả tích cực.
Cái hay của ông Macron còn ở chỗ ông có thể xoa dịu sự sợ hãi âm ỉ trong dư luận. Ở vào thời điểm cuối chiến dịch tranh cử, các cuộc thăm dò cho thấy, có tới hơn 2/3 cử tri Pháp vẫn tin vào lợi ích của đồng tiền chung, không muốn rời khỏi khu vực đồng euro. Điều này chẳng khác nào đòn giáng mạnh vào ứng cử viên Marine Le Pen.
Với sự ủng hộ mạnh mẽ từ nhiều chính khách Pháp cũng như giới lãnh đạo châu Âu, rõ ràng là ông Macron đang có lợi thế so với bà Le Pen trước khi hai người bước vào cuộc quyết đấu cuối cùng.
Ông Macron có thể sẽ thành công trong việc xoa dịu nỗi sợ hãi của cử tri Pháp trước những hệ lụy của toàn cầu hóa bằng cách nhấn mạnh ý tưởng rằng một châu Âu mạnh mẽ hơn hoàn toàn phù hợp với các lợi ích của Pháp và không làm tổn hại đến bản sắc dân tộc của nước Pháp.
Tuy nhiên, ngay cả khi giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử vòng hai vào ngày 7/5 sắp tới, khó khăn chưa phải đã hết với chính trị gia trẻ tuổi Macron. Trong đó bao gồm việc giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Quốc hội Pháp vào tháng 6 mà không có một chính đảng lớn “chống lưng”.
Ngoài ra, việc thay đổi hệ thống chính trị tại Pháp, như ông Macron đã hứa hẹn, để phù hợp với xu thế của thế kỷ 21 và dành tiếng nói riêng cho những cử tri cảm thấy mình bị “gạt ra ngoài lề xã hội từ rất lâu” cũng là một thách thức khác. Đối với một “người mới học việc” về chính trị như ông Macron, dù ông có tài năng và may mắn như thế nào, đó vẫn là những nhiệm vụ cực kỳ khó khăn. Dù vậy, ông vẫn phải tiếp tục tiến bước.
Hùng Cường/VOV