Theo dõi trên

Cùng hành động để giữ biển xanh Bài 3: Bền vững qua chung tay

15/10/2024, 14:46

BTO-Với sự nỗ lực bảo vệ môi trường biển của các cấp, ngành, địa phương, cùng với xu hướng “sống xanh” của giới trẻ hiện đại, biển Bình Thuận trong tương lai sẽ chuyển sang xanh bền vững, góp phần xây dựng Bình Thuận phát triển giàu mạnh, văn minh.

img_1305.jpg
Ngày càng nhiều bạn trẻ Bình Thuận tham gia vào các tổ, nhóm, hội tình nguyện bảo vệ môi trường.

Tuổi trẻ giữ màu xanh của biển

Từ động thái mạnh trong bảo vệ môi trường biển của các cấp, ngành, địa phương và những kiến thức đã học trong nhà trường, với những thông tin tích cực về tầm quan trọng của biển trên các phương tiện thông tin trong và ngoài nước…và đặc biệt từ tình yêu quê hương, thế hệ trẻ Bình Thuận hôm nay, trong đó có cả con em của người dân ở các xã, phường, thị trấn ven biển, không ít người đã ý thức được ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường biển.

Hơn nữa, họ thuộc giới trẻ hiện đại thích nghi nhanh, quan tâm nhiều hơn đến môi trường, không gian gần gũi, thân thiện với thiên nhiên, có xu hướng “sống xanh”, một lối sống hướng đến những giá trị bền vững, đem lại lợi ích cho sức khỏe, thiên nhiên, môi trường. Chính vì thế, họ sẵn sàng tham gia bảo vệ môi trường khi tổ chức cần và gia nhập các nhóm thiện nguyện bảo vệ môi trường không vì mục đích lợi nhuận.

Trương Bích Trâm, học lớp 12 chuyên Văn, Trường THPT Chuyên Trần Hưng Đạo, TP. Phan Thiết là trong số đó. Trâm cho biết khi đang dọn rác ở bãi biển Long Sơn - Suối Nước, thuộc phường Mũi Né: “Em là nhóm trưởng của nhóm "Let’s Do it !" Bình Thuận. "Let’s Do it !" là tổ chức bảo vệ môi trường phi lợi nhuận quốc tế, hoạt động ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Em tham gia nhóm này từ năm học lớp 10 với các anh chị khóa trước. Trong nhóm hiện hơn 50 bạn đến từ các trường THCS và THPT, thường dọn rác ở biển Đồi Dương – Thương Chánh, TP. Phan Thiết. Hiện vì thấy địa điểm này có nhiều cá nhân, tổ chức dọn nên chúng em chuyển ra bãi biển Mũi Né”. Đặc biệt trong nhóm có nhiều bạn sinh ra và lớn lên ở các xã, phường ven biển như Chí Công, Vĩnh Hảo huyện Tuy Phong; Hưng Long TP. Phan Thiết.

img_1300.jpg
Bạn Hoàng và bạn Anh cùng các bạn tham gia dọn rác ở bãi biển Long Sơn - Suối Nước, phường Mũi Né.
20240922_084613.jpg
Vì thời tiết xấu nên số lượng bạn tham gia nhặt rác  của nhóm Let’s Do it ! Bình Thuận không đông.
20240922_095107.jpg
Trần Khải Hoàng trò chuyện với phóng viên về tham gia bảo vệ môi trường. 

Em Trần Khải Hoàng, lớp 10 chuyên Địa, cùng Trường THPT Chuyên Trần Hưng Đạo cho biết, “Em lớn lên ở xóm Dừa, phường Hưng Long trong gia đình có ông bà, cha mẹ đều là ngư dân. Trước kia, người dân trong xóm có thói quen mang rác sinh hoạt trong gia đình ra biển bỏ, trong đó có ông bà, người thân trong gia đình em. Nhưng hiện nay thì không vì các cô, chú làm việc ở phường, khu phố giám sát kỹ việc người dân trong khu dân cư mang rác thải ra khỏi nhà, ông bà, bố mẹ em ủng hộ em tham gia bảo vệ môi trường”.

Với Phan Hoàng Anh học lớp 11 cùng trường với Trâm và Hoàng, ở xóm 7, thôn Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, cảm thấy không vui khi nhắc đến người dân quê mình, cái gì cũng mang ra biển bỏ. Chính vì vậy, em tham gia vào Let’s Do it! Bình Thuận với mong muốn lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường biển đến mọi người, nhất là người dân quê mình.

Ngoài Hoàng và Anh còn rất nhiều bạn trẻ khác ở các xã, phường, thị trấn ven biển đã tham gia vào tổ chức này và các nhóm, tổ chức bảo vệ môi trường khác, chưa kể các bạn trẻ yêu môi trường ở  huyện, thị của Bình Thuận không gần biển. Họ là “hạt nhân” khuấy động phong trào cùng giữ màu xanh cho biển hiệu quả nhất khi chính họ đã vận động bạn bè, người thân trong gia đình không mang rác thải ra biển bỏ và những người khác.

z5878854614545_c26f10a5acc399038113c43dd6a859ab.jpg
Một trong những câu lạc bộ bảo vệ môi trường ở các xã, phường ven biển Bình Thuận. 

Điều này cùng với những quyết tâm bảo vệ môi trường biển của các cấp, các ngành sẽ làm thay đổi thói quen và nhận thức bảo vệ môi trường biển của người dân nói chung. Vì Bình Thuận là tỉnh ven biển, rác thải ở bất cứ đâu cũng có thể theo gió xuống biển.

Chuyển...xanh bền vững

Với tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ cùng với quyết sách, hành động mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến thôn, khu phố trong bảo vệ môi trường biển, không xa nữa biển Bình Thuận sẽ hạn chế tối đa rác, xanh, sạch hơn, thu hút nhiều du khách. Du lịch phát triển bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 06 của Tỉnh ủy (khóa XIV) về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; xây dựng Bình Thuận trở thành trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia. Phấn đấu đến năm 2030, du lịch Bình Thuận với hạt nhân là Khu du lịch quốc gia Mũi Né trở thành một trong những điểm đến hàng đầu Khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

z5878854640665_297db6214636005608bb8152f0a8c8e2.jpg
Ngày càng xuất hiện nhiều tổ, nhóm, hội, câu lạc bộ tham gia vệ sinh môi trường. 

Đời sống người dân nâng lên, dù vậy mỗi người dân, nhất là cư dân ven biển ý thức bảo vệ môi trường biển, nói không với thải rác ra biển. Mong rằng mọi người đừng có tư tưởng “mình không thải rác ra môi trường thì người khác cũng thải”, hoặc cố giữ thói quen xấu, bạ đâu vứt rác đó. Vì nếu ai cũng như vậy thì biển ô nhiễm nặng, hủy hoại hệ sinh thái biển, tác động xấu đến sinh kế của chính mình. Các cấp, các ngành tiếp tục phát huy những gì đã làm được, tranh thủ sự đồng tình của nhân dân, có biện pháp xử lý mạnh tay đối với bộ phận người còn giữ thói quen xả rác thải xuống biển. Vì biển chỉ xanh khi người dân nói chung, ai cũng ý thức bảo vệ biển.

Trong lễ mít tinh hưởng ứng Tuần lễ Biển - Hải đảo Việt Nam, ngày Môi trường Thế giới và Ngày Đại dương Thế giới năm 2024, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Văn Đăng nhấn mạnh: “Hoạt động mít tinh chính là cơ hội để tôn vinh và phát huy tiếng nói của tỉnh Bình Thuận cùng chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ vùng biển và hải đảo của đất nước, nhất là trong bối cảnh vùng biển và hải đảo của Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, tình trạng biển bị ô nhiễm, khai thác môi trường không bền vững là những vấn đề cần phải được giải quyết một cách quyết liệt và bền bỉ.

Phó Chủ tịch kêu gọi các cấp chính quyền, các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể… tuyên truyền, triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật về tăng cường các hoạt động quản lý chất lượng môi trường đất, quản lý tốt rác nhựa đại dương. Tăng cường kiểm soát việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, rác thải nhựa ven biển và trên các hải đảo. Phát động các phong trào cộng đồng ra quân làm vệ sinh môi trường biển, thu gom xử lý rác thải, không thải rác thải ra môi trường, đặc biệt là rác thải nhựa”.

Biển là môi trường sống hết sức quan trọng của chúng ta. Mong rằng qua chuyên đề này mọi người cùng nâng cao ý thức trách nhiệm, cùng chung tay bảo vệ môi trường biển quê hương, để phát triển bền vững. 

NINH CHINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Bảo vệ môi trường biển theo hướng bền vững
Bình Thuận có chiều dài bờ biển 192 km, với diện tích vùng biển khoảng 52.000 km2, có 11 đảo lớn nhỏ, trong đó đảo Phú Quý là cơ sở hậu cần, chuyển tiếp cho các hoạt động về kinh tế biển, đặc biệt là đánh bắt hải sản xa bờ.
Nổi bật
Về miền Tây thăm “Vườn ông Sáu Dân”
Vừa qua, trong chuyến công tác tại một số tỉnh miền Tây, ghé Vĩnh Long, chúng tôi được giới thiệu tham quan khu lưu niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt hay còn gọi là “Vườn ông Sáu Dân”. Với kiến trúc không gian mở, thiết kế hiện đại, ứng dụng công nghệ số, khu lưu niệm đã tạo nên nét riêng, dung hòa giữa sự trang trọng, thành kính, sâu lắng và sự thân thiện, gần gũi để từ đó truyền tải thông điệp về quê hương, gia đình, cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp to lớn, quan trọng của cố Thủ tướng Võ Văn
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cùng hành động để giữ biển xanh Bài 3: Bền vững qua chung tay