Theo dõi trên

Đa dạng hóa sinh kế vùng đồng bào dân tộc thiểu số

01/03/2018, 09:14

BT- Sau nhiều năm áp dụng các chính sách, dự án hỗ trợ phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống của người dân đã được nâng lên. Trong đó, việc nhân rộng các mô hình sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho người dân đã và đang mang lại hiệu quả cao trong công tác xóa đói giảm nghèo.

Nhân rộng mô hình sản xuất

Năm 2017, trước hiệu quả kinh tế mang lại từ những dự án trước đó đã thực hiện, Ban Dân tộc tỉnh đã quyết định nhân rộng mô hình nuôi bò sinh sản. 48 hộ nghèo thuộc 3 xã Đông Giang, Đông Tiến và La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc được lựa chọn tham gia mô hình. Khi tham gia mô hình, mỗi hộ sẽ nhận được 1 con bò sinh sản trị giá 10 triệu đồng để gây dựng đàn bò. Bên cạnh việc lựa chọn đối tượng tham gia mô hình, Ban Dân tộc tỉnh đã giao Trung tâm Dịch vụ miền núi tiến hành kiểm tra chất lượng bò trước khi giao cho người dân. Cuối năm 2017, 48 con bò sinh sản trong dự án đã được Trung tâm Dịch vụ miền núi giao đến tận tay người dân. Đến nay, số bò trong mô hình hỗ trợ nuôi bò sinh sản đang phát triển khá tốt. Tại huyện Bắc Bình, Ban Dân tộc tỉnh đang xây dựng và nhân rộng mô hình nuôi dê. Đến nay, đơn vị đã cấp được 47 con dê giống cho 17 hộ ở xã Phan Thanh, Phan Điền… Ngoài ra, Ban Dân tộc tỉnh đã triển khai hỗ trợ 1.305 kg giống bắp; 1.410 kg giống cây đậu đen; 34.757 kg phân bón các loại và 623 liều thuốc bảo vệ thực vật cho 107 hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số.

Bên cạnh việc nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện tốt các chính sách phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, việc thực hiện chính sách đầu tư ứng trước cho vùng đồng bào dân tộc tiếp tục được thực hiện. Năm 2017, Trung tâm Dịch vụ miền núi tỉnh đã tổ chức đầu tư ứng trước giống bắp lai cho 1.190 hộ với 13,5 tỷ đồng; giống lúa nước cho 193 hộ với 798 triệu đồng. Bên cạnh đó, Trung tâm Dịch vụ miền núi cũng tổ chức thu mua bắp thương phẩm cho các hộ dân vùng đồng bào với số lượng trên 9.500 tấn; thu mua mủ cao su trên 73 tấn.  

Đa dạng hóa nguồn thu nhập

Ngoài việc hỗ trợ người dân mở rộng sản xuất, Ban Dân tộc tỉnh đã thực hiện nhiều mô hình giúp người dân tăng sinh kế. Năm 2017, Ban Dân tộc tỉnh đã hỗ trợ 118 hộ đồng bào dân tộc thiểu số vay 5 tỷ đồng để phát triển kinh tế hộ gia đình. Bên cạnh nguồn thu từ sản xuất, trồng trọt, hiện nay các hộ dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn có thêm thu nhập từ việc nhận khoán bảo vệ rừng. Năm 2016, toàn tỉnh có 2.408 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia nhận khoán bảo vệ 70.930,76 ha rừng. Con số này năm 2017 đã tăng lên 2.555 hộ với 75.092,07 ha rừng nhận khoán. Số tiền công được trả cho việc nhận khoán bảo vệ đã giúp người dân có thêm nguồn vốn tái đầu tư sản xuất.

Năm 2018,ban Dân tộc tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện tốt Đề án phát triển cây cao su vùng đồng bào dân tộc thiểu số đến năm 2019 theo quyết định của UBND tỉnh. Với diện tích cao su trên địa bàn xã Đông Giang, La Dạ (huyện Hàm Thuận Bắc) được trồng theodự án 327 từ năm 1997 – 2001 đến nay đã gần hết thời gian khai thác mủ, Ban Dân tộc tỉnh sẽ triển khai xây dựng Đề án tái canh đối với diện tích này. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt chính sách đầu tư ứng trước, trợ cước vận chuyển theo quyết định của UBND tỉnh nhằm cung cấp kịp thời giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phục vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tạo điều kiện phát triển sản xuất cho vùng dân tộc thiểu số. Song song đó, hướng dẫn đồng bào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả, phù hợp trên từng địa bàn. Thực hiện đầu tư ứng trước 2.000 ha bắp lai; 200 ha lúa nước; thu mua 5.000 tấn bắp lai thương phẩm và 50 tấn mủ cao su; bán hàng phục vụ sản xuất và đời sống vùng đồng bào dân tộc kịp thời.

Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, nhân rộng các mô hình kinh tế đã từng bước mở rộng quy mô và dịch vụ phục vụ sản xuất, làm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi, góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo…

Mai Vân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Cử tri xã Phan Điền:
Kiến nghị các vấn đề liên quan đến chế độ, chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số
BTO-Chiều 23/12, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bình Thuận ông Lê Quang Huy - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; ông Nguyễn Hữu Thông, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đã có buổi tiếp xúc cử tri tại xã Phan Điền (Bắc Bình), thông báo kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan, lãnh đạo huyện Bắc Bình và xã Phan Điền.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đa dạng hóa sinh kế vùng đồng bào dân tộc thiểu số