Theo dõi trên

Đặc sắc Lễ hội Dinh Thầy Thím

30/10/2020, 11:34

BT- Hàng năm cứ vào độ trung tuần tháng 9 âm lịch, du khách thập phương từ mọi miền đất nước lại hội tụ về Dinh Thầy Thím để tham gia lễ hội, tạ ơn công đức Thầy và Thím. Năm nay Lễ hội văn hóa - du lịch Dinh Thầy Thím được diễn ra từ ngày 30/10 - 1/11/2020 (nhằm ngày 14 - 16/9 âm lịch) tại Di tích lịch sử - văn hóa Dinh Thầy Thím với nhiều phần lễ truyền thống, phần hội mang đậm dấu ấn văn hóa miền biển.

Sẵn sàng chào đón du khách

Con đường dẫn khách hành hương đến Dinh Thầy Thím được trang trí băng rôn, cờ phướn như đang chào đón du khách đến với lễ hội. Hai bên đường vào dinh cũng được các tiểu thương sắp xếp gọn gàng để phục vụ khách hành hương mua sắm trong những ngày diễn ra lễ hội. Có thể thấy sự khẩn trương của Ban Tổ chức trong việc phục dựng hình ảnh liên quan đến sự tích Thầy và Thím… Đến thời điểm này mọi công tác chuẩn bị cho lễ hội đã hoàn tất khâu cuối cùng, thị xã La Gi sẵn sàng chào đón du khách đến với lễ hội, dự đêm khai mạc vào tối nay (30/10).

                
                               Rước sắc phong từ mộ Thầy Thím về dinh. Ảnh: Ngọc Lân

Lễ hội văn hóa - du lịch Dinh Thầy Thím không đơn thuần là lễ hội văn hóa dân gian truyền thống, mà còn mang ý nghĩa lịch sử văn hóa, khắc ghi công đức của các bậc tiền nhân, thu hút hàng ngàn khách thập phương đến viếng Thầy Thím và tham gia các hoạt động của lễ hội. Đây là một trong những lễ hội văn hóa tiêu biểu được tỉnh Bình Thuận chọn bảo tồn, phát triển để phục vụ du lịch ở địa phương. Trong ngày đầu tiên của lễ hội, hình ảnh khách hành hương từ mọi miền đất nước tập trung về Dinh Thầy Thím từ rất sớm để viếng, dâng hương tưởng nhớ công đức Thầy Thím, tìm hiểu về lịch sử đức độ của Thầy Thím. Ngoài ra, khách thập phương về đây để xin lộc, cầu xin bình an, sức khỏe cho bản thân và gia đình, cùng nhau thả những chú chim về tự nhiên, về với tự do như là một việc thiện để củng cố thêm niềm tin tâm linh, tìm được sự thanh thản trong tâm hồn mỗi người.

                
         Khách hành hương từ các nơi trong và ngoài tỉnh về    Dinh Thầy Thím. Ảnh: N.Lân

Mỗi năm lễ hội được đầu tư nghiêm túc, chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng từ phần lễ đến phần hội. Ngay từ những ngày đầu tháng 10, Ban Tổ chức đã có kế hoạch chuẩn bị lực lượng an ninh để đảm bảo an toàn cho khách hành hương. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành để đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, hạn chế tối đa việc ăn xin, chặt chém du khách… Các điểm đến, khách sạn, nhà nghỉ nơi gần dinh cũng được quán triệt về giá cả để không ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch của thị xã La Gi.

Dấu ấn văn hóa miền biển

Qua các nghi lễ, khách hành hương có thể cảm nhận một cách rõ nhất những giá trị tích cực về truyền thống nhân văn, giá trị tâm linh, về cuộc đời Thầy Thím đã gắn bó mật thiết với mảnh đất Tam Tân ngày xưa và có một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân lao động thị xã La Gi cho đến nay. Người dân truyền nhau kể rằng ngày xưa, ở Quảng Nam có một đạo sĩ giàu lòng nhân ái, võ thuật hơn người, thường có những nghĩa cử cao đẹp rất được dân làng mến mộ. Vì giúp dân làng dời ngôi đình khang trang thờ thần Hoàng ở làng kế bên về, Thầy bị vua xử phạt, phải rời làng quê cũ lưu lạc vào làng Tam Tân (xã Tân Tiến, thị xã La Gi) ngày nay. Dân gian còn lưu truyền rằng, Thầy Thím rời làng quê cũ bằng tấm lụa vua ban để khép tội chết mà khi đến tay thầy bỗng hóa thành rồng. Thầy Thím cưỡi lên lụa rồng ấy mà bay vào phương Nam. Làng Tam Tân trù phú trở thành nơi dừng chân của nhà đạo sĩ có tài và chuyên giúp dân lành. Thầy dùng phép thuật để chữa bệnh, đóng ghe thuyền cho ngư dân, trấn áp bọn gian thương để cứu giúp dân nghèo…

                
         Khách hành hương từ các nơi trong và ngoài tỉnh về    Dinh Thầy Thím. Ảnh: N.Lân

 Ngay trong ngày khai mạc lễ hội liên tục diễn ra các nghi thức lễ truyền thống như lễ nghinh thần, lễ nhập điện an vị và khu triển lãm mô hình sự tích Thầy Thím được đưa vào phục vụ khách tham quan. Dấu ấn văn hóa miền biển sẽ thể hiện đậm nét trong các nghi thức lễ như: Dâng cỗ cúng Thầy Thím, cúng ngọ chay, lễ thỉnh sanh, cúng tiền hiền và gia binh, nghi thức chánh lễ… Theo ông Nguyễn Hữu Trí - Trưởng Ban quản lý Di tích lịch sử văn hóa Dinh Thầy Thím cho biết, phần nghi lễ được tổ chức theo truyền thống, riêng phần hội năm nay sẽ không tổ chức các hội thi truyền thống và trò chơi dân gian nhằm bảo đảm an toàn trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Ngoài ra, Ban Tổ chức còn thành lập đội cứu hộ tại bãi biển ngảnh Tam Tân nhằm đảm bảo an toàn cho du khách vui chơi tại khu vực biển trong những ngày diễn ra lễ hội.

Ngoài phần lễ truyền thống, đến với lễ hội du khách có dịp tham quan và trải nghiệm các danh lam, thắng cảnh nổi tiếng của thị xã La Gi như ngảnh Tam Tân, Dốc Ông Bằng, biển Cam Bình, khám phá và thưởng thức hương vị miền biển… và để cảm nhận về tiềm năng du lịch của La Gi nói riêng và Bình Thuận nói chung. 

H. Châu



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đặc sắc Lễ hội Dinh Thầy Thím