Theo dõi trên

Đặc sản thanh long, nước mắm: Nhiều tổ chức, cá nhân được sử dụng chỉ dẫn địa lý

30/11/2017, 08:32 - Lượt đọc: 216

BT- Sở Khoa học & Công nghệ (KH & CN) phối hợp Cục Sở hữu trí tuệ vừa tổ chức khóa đào tạo kiểm soát nội bộ sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận, thông qua Dự án hỗ trợ chính sách thương mại đầu tư của châu Âu (EU- MUTRAP), thu hút hơn 100 doanh nghiệp, cơ sở, nhà vườn tham gia. Sau 2 năm triển khai chương trình, sản phẩm lợi thế, đặc sản thanh long Bình Thuận đã có 88 tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý (CDĐL) với tổng diện tích 2.420 ha thanh long. Sản phẩm CDĐL thanh long Bình Thuận đã được 12 nước đồng ý bảo hộ, chấp nhận nhập khẩu, gồm: Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Hà Lan, Đức, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật, Đài Loan, Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông đang thẩm định đơn đăng ký.

                
   Dây chuyền sản xuất nước mắm của Công ty    Hồng Phú tại KCN Hàm Kiệm. Ảnh: Đ.Hòa

Ý nghĩa chỉ dẫn địa lý

Giám đốc Sở KH & CN Văn Công Thới cho biết, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển sản phẩm đặc sản của địa phương, bảo vệ quyền lợi người sản xuất, kinh doanh. Hai sản phẩm lợi thế: thanh long Bình Thuận, nước mắm Phan Thiết đã được Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hóa, tạo điều kiện để xuất khẩu. Về phía các nhà sản xuất, kinh doanh (công ty, hợp tác xã, tổ hợp tác)  đã đăng ký sử dụng CDĐL, đã cam kết thực hiện quy chế quản lý CDĐL của UBND tỉnh, quy chế kiểm soát của tổ chức, tập thể. Nhờ vậy, toàn tỉnh đã có 88 tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng CDĐL thanh long Bình Thuận, 57 nhà sản xuất sử dụng CDĐL nước mắm Phan Thiết (tổng sản lượng sản xuất hơn 51,2 triệu lít/năm). Đây là tiền đề cho việc khai thác, sử dụng CDĐL được bảo hộ, trở thành tác nhân thương mại quan trọng, cơ sở cho người tiêu dùng tin tưởng vào chất lượng sản phẩm mang chỉ dẫn nguồn gốc này… 

Thâm nhập thị trường châu Âu

Với CDĐL được chứng nhận, sản phẩm lợi thế địa phương có thêm điều kiện vươn ra nhiều nước ở châu Âu. Bà Ester Olivas Cácceres, chuyên gia tư vấn cao cấp Dự án hỗ trợ chính sách thương mại & đầu tư của châu Âu (EU - MUTRAP), diễn giả chính khóa đào tạo nhấn mạnh, Bình Thuận có lợi thế thanh long, nước mắm được Cục Sở hữu trí tuệ đăng bạ khá lâu; hiện đang được đăng ký bảo hộ CDĐL ở 12 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận, nước mắm Phan Thiết sẽ được công nhận và bảo hộ trên toàn lãnh thổ EU. Do vậy, Sở KH & CN tỉnh, hiệp hội, doanh nghiệp, nhà vườn… phải xây dựng hệ thống quản lý chất lượng cho sản phẩm mang CDĐL này từ quy trình trồng, chăm sóc đến chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, vấn đề quản lý chất lượng hiện vẫn còn một số tồn tại như: hệ thống truy xuất nguồn gốc không ít sản phẩm chưa rõ ràng, các nhật ký, hồ sơ mới chỉ ghi chép số liệu về sản xuất chứ chưa có dữ liệu về thương mại; sản phẩm giao dịch thương mại trên thị trường với tên gọi và logo của CDĐL cũng còn hạn chế; hoạt động xúc tiến, quảng bá cho CDĐL này chưa hiệu quả, nhất là ở thị trường quốc tế… Chuyên gia khuyến cáo các nhà sản xuất tỉnh ta, cần xây dựng quy trình biểu mẫu để kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm đúng tiêu chuẩn kỹ thuật; xây dựng bản đồ số vùng nguyên liệu và các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất để nâng cao hiệu quả truy xuất nguồn gốc hàng hóa; liên kết, hợp tác với các nhà nhập khẩu châu Âu để yêu cầu chứng nhận xuất xứ của CDĐL này cho mọi lô hàng. Về lâu dài, cần có đơn vị kiểm soát toàn cầu về việc sử dụng trái phép logo, tên gọi và hàng nhái, hàng giả mang CDĐL thanh long Bình Thuận, nước mắm Phan Thiết.

ThỤy Khanh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đặc sản thanh long, nước mắm: Nhiều tổ chức, cá nhân được sử dụng chỉ dẫn địa lý