Theo dõi trên

Đảm bảo an toàn hồ chứa khi bão đổ bộ

26/10/2021, 08:52

BTO- Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương trong ngày 25/10, khả năng áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) sẽ mạnh lên thành bão - cơn bão số 9. Dự báo, bão số 9 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc và ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận. Trong đó, vùng biển khu vực huyện đảo Phú Quý và huyện Tuy Phong là địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 9.

Xả lũ hồ chứa

Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh cho biết, đến ngày 25/10, các hồ chứa trong tỉnh đều đạt xấp xỉ mực nước dâng bình thường. Đơn cử tại hồ Sông Quao, cao trình mực nước hiện tại 88,74 m /89 m thiết kế, hồ Cà Giây 74,51m /74,7 m; hồ Sông Móng 75,93m /75,8 m; hồ Lòng Sông 74,95 m/76,95m…Ngoài ra, mực nước trên tất cả các sông chính trong tỉnh đều thấp hơn mức báo động cấp 1, riêng tại Tà Pao (sông La Ngà) đạt trên báo động cấp 1.

 Hiện Công ty TNHH MTV KTCT thủy lợi đã và đang điều tiết qua tràn và mở cống lấy nước để hạ thấp mực nước hồ, đảm bảo dung tích phòng lũ theo thiết kế. Đồng thời, phân công trực 24/24h tại tất cả các hồ chứa, đầu mối công trình thủy lợi và phân công lực lượng ứng trực tại các điểm xung yếu.

Trước diễn biến phức tạp của ATNĐ khả năng thành bão, chiều ngày 25/10, Tổng cục trưởng Tổng cục thủy lợi đã có công điện đến các tỉnh khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, trong đó có Bình Thuận về tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, phòng, chống ngập lụt, đề phòng ảnh hưởng của ATNĐ, khả năng thành bão.

Cụ thể, do ảnh hưởng của ATNĐ, từ ngày 26/10 đến hết ngày 27/10, ở các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận có mưa to đến rất to. Mưa lớn xảy ra trong tình trạng nhiều hồ chứa đã đầy nước, nguy cơ mất an toàn và gây ngập lụt, úng. Do đó, Tổng cục Thủy lợi đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành phố tổ chức kiểm tra, rà soát, sửa chữa kịp thời hư hỏng, sự cố các công trình bị ảnh hưởng trong các đợt mưa lũ vừa qua, bảo đảm không làm tăng sự cố. Bố trí lực lượng thường trực để vận hành và sẵn sàng phương án, vật tư, phương tiện kịp thời ứng phó với các tình huống bất thường về mưa và an toàn công trình. Khẩn trương vận hành các hồ chứa có cửa van để hạ mực nước xuống mức chủ động đón lũ, hạn chế xả lũ bất thường trong thời gian mưa lớn, gây ảnh hưởng cho vùng hạ du. Thực hiện nghiêm túc việc cảnh báo sớm cho người dân vùng hạ du trước khi hồ chứa xả lũ và khi có nguy cơ xảy ra sự cố.

 Các hồ chứa còn khả năng trữ nước cần thực hiện điều tiết hợp lý nhằm hỗ trợ giảm ngập lụt hạ du, tăng lượng nước trữ phục vụ sản xuất và dân sinh mùa khô tới, bảo đảm tuyệt đối an toàn công trình. Chuẩn bị phương án tràn sự cố phù hợp để chủ động thực hiện khi có tình huống mưa lũ nguy cơ gây vỡ đập, bảo đảm hạn chế ảnh hưởng đến người dân vùng hạ du và an toàn công trình. Chủ động vận hành sớm các công trình thủy lợi để tiêu thoát nước, bảo đảm phòng, chống ngập lụt hiệu quả…

K.Hằng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đảm bảo an toàn hồ chứa khi bão đổ bộ