Cầu treo do người dân thôn Đá Trắng tự làm. |
Nhờ có dòng sông Ly luôn đầy ắp nước chảy dọc theo chiều dài thôn Đá Trắng nên đất đai hai bên bờ sông luôn màu mỡ nhờ phù sa và thích hợp với cây ăn quả. Tuy nhiên bên cạnh lợi ích nhờ thiên nhiên ban tặng, bà con thôn Đá Trắng gặp rất nhiều khó khăn về giao thông vì cầu đường chưa được cấp trên đầu tư đúng mức.
Cách đây 4 năm, tôi cùng anh bạn đồng nghiệp đi xe máy đến thôn Đá Trắng để trao món quà bạn đọc Báo Bình Thuận gửi tặng em Voòng A Múi có hoàn cảnh khó khăn. Để đến được nhà em Múi, chúng tôi phải vượt qua suối Dẻ trên chiếc cầu thô sơ tạm bợ làm bằng hai thân cây, bên trên là 6 tấm ghi thép được kết nối để làm mặt cầu và khó khăn lắm chúng tôi mới qua được cầu. Nay thì chiếc cầu tạm ấy không còn nữa vì cơn lũ cuối năm 2017 đã cuốn trôi. Trước thực trạng giao thông khó khăn trắc trở, nhất là khi vào mùa mưa lũ nước suối Dẻ thường dâng cao, con em phải nghỉ học, người bệnh và sản phụ gần đến ngày sinh nở phải ở nhờ nhà bà con bên trung tâm thôn. Hàng hóa nông sản không vận chuyển được, thương buôn lợi dụng giao thông bị chia cắt ép giá thu mua nông sản.
Mới đây, gần 200 hộ dân thôn Đá Trắng sinh sống bên kia bờ suối Dẻ đã tự nguyện đóng góp 60 triệu đồng để làm chiếc cầu treo. Trụ bê tông cốt thép, mặt cầu gỗ dài 15 m, rộng 2 m. Đường dẫn hai bên cầu dài 40 m, rộng 2,5 m mặt đường trải sỏi cấp phối. Cầu chỉ dành riêng cho người đi bộ, đi xe đạp và xe gắn máy.
Năm 2017 Bộ Giao thông vận tải có Quyết định số 1698 bổ sung đầu tư dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý địa phương (LRAMP) từ 2016 đến 2021. 50 tỉnh, thành cả nước được đầu tư 2 174 cầu. Phần Bình Thuận được phê duyệt 43 cầu với tổng vốn 90,25 tỷ đồng, trong đó có cầu Suối Dẻ, nhưng không biết lúc nào cầu được khởi công để bà con đi lại lao động, vận chuyển hàng hóa thuận tiện và an toàn. |
Lâm KhẢi