Hậu quả từ uống rượu bia lái xe
Đến nay dù một năm đã trôi qua, nhưng mỗi lần nghĩ tới vụ tai nạn khiến bản thân phải ăn tết với tình trạng thương tích nặng, chị Kiều Thảo Hương (ngụ phường Đức Thắng, Phan Thiết) không khỏi bức xúc. Đêm trước ngày Tết Mậu Tuất năm ngoái, khi chị Hương đang đi trên đường Ngư Ông, thuộc phường Đức Thắng, thì bị Đỗ Thanh Bình (ngụ phường Lạc Đạo), điều khiển xe máy chạy từ phía sau tông vào xe của chị Hương đang chuyển hướng qua đường. Hậu quả vụ va chạm khiến chị Hương bị chấn thương đầu, mặt. Nguyên nhân của vụ tai nạn là do Bình nhậu say, phóng nhanh và không giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước nên đã xảy ra tai nạn. Vụ tai nạn làm chị Hương phải điều trị vết thương dài ngày, cả gia đình buồn phiền, làm cho dịp tết năm ấy gia đình chị mất vui.
Trường hợp tương tự cũng xảy ra dịp trước tết năm ngoái là của Lư Đình Chung (ngụ Đức Long, TP. Phan Thiết). Hôm ấy sau khi nhậu say, Chung điều khiển xe máy trên đường Nguyễn Hội, do không làm chủ tốc độ và không nhường đường cho xe phía trước khi chuyển hướng nên đã tông vào xe máy do anh ĐPTN (ngụ xã Phong Nẫm) đang điều khiển hướng ngược lại. Vụ tai nạn khiến Chung gãy chân phải, N bị thương bàn tay phải. Tết năm ngoái, cả hai phải ăn tết trong tình trạng thương tích, riêng Chung phải điều trị tái khám nhiều lần, tốn kém tiền bạc và công chăm sóc của người thân trong dịp tết.
Rượu chè say xỉn luôn có nguy cơ phát sinh các hệ lụy khôn lường. |
Đó chỉ là 2 trong rất nhiều vụ việc tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia trong ngày tết, mà hậu quả của nó còn nặng nề hơn nếu mất mạng, chấn thương sọ não, tàn phế suốt đời, hao tốn tiền của, do từ sự không kiểm soát khi uống rượu bia quá đà.
Đánh nhau do rượu
Đối với các cơ sở y tế từ trạm y tế xã đến phòng khám khu vực và bệnh viện, thì mỗi dịp tết đến xuân về, bên cạnh cấp cứu tai nạn giao thông, còn cấp cứu nhiều trường hợp đánh nhau gây thương tích. Nguyên nhân chủ yếu là do rượu bia quá đà dẫn đến mâu thuẫn hoặc đánh nhau do bất đồng trong lúc đánh bạc. Một bác sĩ tại Phòng cấp cứu Bệnh viện đa khoa tỉnh cho biết, có trường hợp trong dịp tết hai bên đánh nhau và cùng đưa đến cấp cứu, sau đó người thân của hai bên nạn nhân tiếp tục mâu thuẫn, dẫn đến rượt đuổi, đánh nhau tại phòng cấp cứu. Trung bình mỗi năm, vào dịp tết các cơ sở y tế trong tỉnh tiếp nhận trên dưới 100 ca đến điều trị do đánh nhau gây thương tích.
Theo thống kê của Bộ Y tế, dịp tết 2018 có hơn 4.100 vụ đánh nhau phải nhập viện điều trị. Và những năm trước đó có năm lên tới 6.000 người, với trung bình 1 ngày nghỉ tết có gần 1.000 người phải vào viện vì đánh nhau. Trong đó chủ yếu độ tuổi từ 20 - 40 tuổi, nhưng phổ biến nhất vẫn là nhóm 20 - 30 và đa phần là nam giới, địa điểm xảy ra chủ yếu trên bàn nhậu tại nhà và nguyên nhân chủ yếu cũng đến từ mâu thuẫn khi uống rượu bia.
Với ngày thường đã có muôn vàn lý do để nhậu, thì trong những ngày tết, chén rượu ly trà là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên uống như thế nào, mức độ nào để mang ý nghĩa văn hóa, và uống như thế nào thì trở thành tệ nạn, dẫn đến những hệ lụy cho mình và người thân. Để trả lời câu hỏi này, thì không ai khác mỗi người chúng ta nên lượng sức mình và từng hoàn cảnh để quyết định.
Phúc Sinh