Theo dõi trên

Dấu ấn về vùng đất nắng ấm, nghĩa tình

29/10/2024, 05:23

Vậy là Hội diễn Tiếng hát miền Đông đã khép lại với những nỗ lực của đơn vị đăng cai, nỗ lực của mấy trăm con người chỉ vỏn vẹn trong vài phút cho mỗi tiết mục... Tất cả để lại dấu ấn đẹp về vùng đất đầy nắng ấm, nghĩa tình.

​Phan Thiết - thành phố biển xanh, cát trắng, nắng vàng, văn minh và hiện đại đã làm đắm lòng du khách. “Mình về mình có nhớ không. Nhìn cây nhớ núi nhìn sông nhớ nguồn” – ông Nguyễn Quốc Huy - Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã mở đầu buổi trao giải bằng tất cả tình cảm dành cho vùng đất xứ biển.

dsc00061.jpg
Đời sống dân chài được khắc họa cảm xúc trong "Hồn biển sáng niềm tin"

Hội diễn Tiếng hát miền Đông lần thứ XXI năm 2024 cứ 2 năm lại được luân phiên tổ chức tại một vùng đất khác nhau, một nét văn hóa khác nhau nhưng ở đó gần như hòa quyện để cùng nhau kể nên câu chuyện về con người, về hành trình đi lên bằng ý chí, niềm tin và cả những nỗ lực trong lao động.

dsc00070.jpg
Nỗ lực cống hiến cho những tiết mục 

Dưới ánh đèn sân khấu lung linh sắc màu của Nhà hát truyền hình (Đài Phát thanh Truyền hình Bình Thuận), người xem đã chứng kiến các chương trình nghệ thuật đặc sắc của đoàn nghệ thuật quần chúng đến từ các tỉnh, thành phố: Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận và TP. Hồ Chí Minh với gần 400 nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công. 49 tiết mục tham gia trình diễn được các nhạc sĩ, biên đạo đã tư duy dàn dựng bằng tài năng khéo léo, tinh tế, tâm huyết; các diễn viên ngày đêm tập luyện, sáng tạo bằng cả trái tim với một tình yêu cháy bỏng đam mê nghệ thuật.

dsc00188.jpg

Với múa, ít nhiều có sự trông chờ từ khán giả. Và đã không ít lần, những tiết mục múa độc lập đã “chạm” đến trái tim từ hàng ghế khán giả. Ở “Hồn biển – sáng niềm tin”, những giọt nước mắt từ quay phim, từ khán giả, từ những người chưa thật sự có chuyên môn về múa cũng bất giác đã rơi. Bằng âm nhạc, bằng ngôn ngữ hình thể, bằng diễn xuất của tập thể diễn viên trong vài phút ngắn ngủi đã làm nên sự kỳ diệu. Một câu chuyện đời, câu chuyện của ngư dân vùng biển được kể qua hình thể nhưng khắc họa đủ đầy nội lực, trước sóng gió, bão giông để lao động vực dậy cuộc sống bằng tinh thần lạc quan, và một niềm tin ở phía trước. Biên đạo Lê Hải đã cùng ê kíp chạm đến từng ngóc ngách đời sống vạn chài, chân thật qua từng động tác, để mang về giải vàng xứng đáng trong cảm xúc của người xem.

dsc00306.jpg

Hay tiết mục “Truyền thuyết Thầy Thím”, đã mang lại câu chuyện lắng đọng về sự tích về Dinh Thầy Thím, gọn gàng và tinh tế. Càng bất ngờ hơn khi câu chuyện mang màu sắc huyền thoại lại được một nhóm nhảy ở Đồng Nai khắc họa đẹp đẽ.

Một “Hương Tây Ninh”, nói về làng nghề làm nhang ở vùng đất Tây Ninh, một trong những làng nghề được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Tưởng chừng khô cứng, tưởng chừng như bình thường nhưng đã được hình tượng hóa bằng câu chuyện đầy xúc cảm bởi các vũ công…

dsc00067.jpeg
Tiết mục "Hồn biển sáng niềm tin" - Huy chương vàng hội diễn 

Có thể nói sự phối hợp trách nhiệm giữa Cục Văn hóa cơ sở và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận - đơn vị đăng cai và các tỉnh, thành phố khu vực miền Đông Nam bộ, đã mang đến hội diễn đậm chất miền Đông. Không chỉ những tiết mục được dàn dựng công phu, hoành tráng trên sân khấu mà cách hát khỏe, điêu luyện, uyển chuyển đã tạo ấn tượng tốt và cuốn hút người xem như: Hương sắc miền Đông (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu); Liên khúc Củ Chi đất lửa hoa hồng - Bức tranh thành phố 50 năm (đoàn TP. Hồ Chí Minh); Khát vọng hùng cường (đoàn Đồng Nai) Tây Ninh - miền Đông trung dũng (đoàn Tây Ninh)… Đây là những cố gắng đáng ghi nhận của các đơn vị trong đầu tư công sức tập luyện, đạo cụ, trang phục, dàn dựng hòa âm, phối khí.

dsc00458.jpeg
dsc00445.jpeg
"Truyền thuyết Thầy Thím" - Huy chương vàng hội diễn thể loại nhảy hiện đại 
dsc00449.jpeg
dsc00157.jpg
dsc00155.jpg
Hương Tây Ninh- Huy chương vàng hội diễn 
dsc00147.jpg
dsc09997.jpg
Dàn dựng mãn nhãn 

dsc00401.jpg
Ông Nguyễn Quốc Huy – Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở

Ông Nguyễn Quốc Huy – Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở nhìn nhận: “Hội diễn lần này còn phải kể đến đội ngũ diễn viên múa hùng hậu, tiết mục múa có chủ đề tác phẩm, ý tưởng dàn dựng của biên đạo, nghệ thuật thể hiện sáng tạo, tạo hình xúc động. Sự kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa âm nhạc và vũ đạo, thể hiện sự nghiêm túc trong sáng tạo nghệ thuật như tác phẩm múa: Âm vang nguồn cội (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu); Hồn biển sáng niềm tin (đoàn Bình Thuận); Hương Tây Ninh (đoàn Tây Ninh)”.

dsc00306.jpg
Hẹn gặp lại hội diễn 2026 tại Bình Phước.

Hội diễn sẽ trở lại vào năm 2026 tại Bình Phước, và khi đó một miền Đông gian lao, anh dũng, kiên cường nhưng đủ đầy nghĩa tình sẽ tái hiện và chờ đợi sự thăng hoa ở sân chơi nghệ thuật quần chúng. Ở đó, những giá trị đẹp đẽ của văn hóa truyền thống, của di sản, của giai điệu hò lại vang lên trong thanh âm của nghệ thuật.

QUANG NHÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Bình Thuận giành huy chương đồng giải Bóng rổ 5x5 vô địch quốc gia dành cho nữa
BTO-Tại Giải Bóng rổ 5x5 vô địch quốc gia năm 2024 vừa diễn ra tại Nha Trang (Khánh Hòa), đội bóng rổ nữ Bình Thuận giành được huy chương đồng.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dấu ấn về vùng đất nắng ấm, nghĩa tình