Theo dõi trên

Đầu tháng 11 tới Bộ Công an sẽ tổ chức hội nghị triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

27/10/2017, 17:08

BTO- Bộ Công an cho biết chậm nhất đến đầu năm 2019, công dân khi làm thủ tục hành chính sẽ không cần phải mang sổ hộ khẩu, giấy khai sinh..., mà chỉ cần cung cấp 3 thông tin chính: họ tên; mã số định danh cá nhân và chỗ ở, là sẽ được giải quyết.

Sau nhiều lần trễ hẹn, đầu tháng 11 tới Bộ Công an sẽ tổ chức hội nghị triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (gọi tắt là cơ sở dữ liệu quốc gia). Sau hội nghị sẽ tiến hành nhập dữ liệu thông tin của hơn 90 triệu công dân VN vào hệ thống công nghệ thông tin gồm 1 máy chủ tại Hà Nội, 1 máy chủ tại TP.HCM. Cùng với đó, một hệ thống đường truyền tốc độ cao, các thiết bị kỹ thuật... được trang bị tới 63 tỉnh/TP, 713 quận/huyện và 11.000 xã/phường/thị trấn.

Theo C72, lộ trình thực hiện dự án cơ sở dữ liệu quốc gia tiến hành trong khoảng 2 năm, tức đến cuối năm 2018 hoặc chậm nhất đầu năm 2019 hoàn thành. Trong đó, việc thu thập thông tin về công dân không thể chờ đến khi có dữ liệu đầy đủ của thẻ căn cước công dân hay hộ tịch điện tử, mà sẽ thực hiện trước thông qua các nguồn như: tàng thư căn cước của Bộ Công an, cơ sở dữ liệu hộ tịch của Bộ Tư pháp, bảo hiểm xã hội...Trong trường hợp các nguồn vẫn chưa đủ, Bộ Công an sẽ tổ chức phát phiếu cho người dân cùng khai để thu thập thông tin của công dân. Qua đó, người dân sẽ được phát một mã số định danh (gồm 12 số như trên thẻ căn cước công dân hoặc CMND loại mới ). Sau khi có đủ thông tin, Bộ sẽ đồng loạt nhập liệu.

Theo tính toán của Bộ Công an, đầu năm 2019, dự án cơ sở dữ liệu quốc gia sẽ đi vào vận hành, đảm bảo phục vụ cho công tác quản lý nhà nước. Đặc biệt, đây là căn cứ quan trọng để thực hiện lộ trình đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), khắc phục tình trạng một công dân phải dùng nhiều loại giấy tờ như hiện nay.

“Dự án cơ sở dữ liệu quốc gia sẽ được Bộ Công an chia sẻ với các bộ, ngành để phục vụ công tác quản lý nhà nước. Theo đó, công dân khi đến các cơ quan nhà nước để giải quyết TTHC chỉ cần đưa ra 3 thông tin cơ bản, gồm: họ, tên; mã số định danh và chỗ ở. Trong đó, mã số định danh được coi là chìa khóa, để các cơ quan nhà nước tra cứu trong cơ sở dữ liệu quốc gia nhằm lấy ra các thông tin về công dân phục vụ mục đích giải quyết TTHC. Lúc đó, công dân không cần xuất trình các loại giấy tờ như sổ hộ khẩu, giấy khai sinh..., không phải đi chứng thực hay xác nhận của xã, phường như trước đây”- Phó cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (C72), cho biết .

Tuy nhiên, để rút gọn được TTHC và đơn giản hóa giấy tờ, còn phải có sự đồng bộ về đơn giản hóa TTHC của các cơ quan quản lý nhà nước khác. Đầu tháng 7 vừa qua, Chính phủ đã ban hành hàng loạt nghị quyết thông qua phương án đơn giản hóa TTHC của nhiều bộ, ngành, như Bộ Tư pháp, Y tế, TN-MT, GTVT, LĐ-TB-XH, VH-TT-DL, Ngân hàng Nhà nước...

Đề cập đến việc đề xuất bỏ cách quản lý bằng hộ khẩu mới đây, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (C72), cho biết thêm : “Theo quan điểm cá nhân tôi, hiện nay rất nhiều công tác quản lý cũng như chính sách an sinh xã hội đang được gắn với sổ hộ khẩu hay hộ gia đình, ví dụ cấp sổ đỏ, cấp điện nước, hộ người nghèo... Do đó, muốn bỏ được hộ khẩu thì phải điều chỉnh các quy định pháp luật theo hướng quản lý theo cá nhân thay vì theo hộ gia đình”.

Về phía Bộ Công an cho biết với việc cơ sở dữ liệu quốc gia vận hành, các thông tin về công dân trong đó bao gồm cả hơn 20 triệu hộ gia đình cả nước đã được thể hiện tại hệ thống mà các cơ quan quản lý có thể tra cứu, trích xuất hay xác nhận cho công dân. Hiện hộ khẩu vẫn cần cho công việc quản lý, nhưng tới đây, sổ hộ khẩu truyền thống sẽ vô giá trị vì các ngành đã có cơ sở dữ liệu của mình và kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia do Bộ Công an quản lý. Nếu cần  thông tin về hộ gia đình, cơ quan quản lý, nhà nước có thể tra cứu vào cơ sở dữ liệu để xác nhận mà không cần công dân phải mang hộ khẩu ra nữa. Lúc đó, cơ quan chức năng có thể kiến nghị Quốc hội, Chính phủ ban hành các chính sách pháp luật để điều chỉnh.

 QT(T/h)



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đầu tháng 11 tới Bộ Công an sẽ tổ chức hội nghị triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư