Theo dõi trên

Đầu tư ứng trước cho đồng bào sản xuất vụ mới

05/03/2018, 08:46

BT- Những năm qua, chính sách đầu tư ứng trước được xem như “bà đỡ” giúp các hộ đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh phát triển sản xuất, ổn định đầu ra, hạn chế tình trạng tư thương cho vay nặng lãi, ép giá nông sản…

                
Thu hoạch bắp lai tại xã Mỹ Thạnh (Hàm    Thuận Nam).

Mặc dù điều kiện thời tiết không thuận lợi đã làm ảnh hưởng đến thời vụ xuống giống của đồng bào: Tại huyện Hàm Thuận Bắc mưa muộn ảnh hưởng đến tiến độ xuống giống vụ hè thu, còn tại huyện Hàm Thuận Nam hạn hán khi bắp trổ cờ, lũ lụt khi thu hoạch làm cho hơn 630 ha bắp lai bị thiệt hại. Tuy nhiên, Trung tâm Dịch vụ miền núi tỉnh đã đầu tư ứng trước, cung ứng kịp thời giống, vật tư cũng như hỗ trợ bà con kỹ thuật để sản xuất đạt hiệu quả. Năm 2017, trung tâm đã thực hiện đầu tư ứng trước cho 1.301 hộ đồng bào với diện tích 2.619 ha bắp lai, lúa nước, tổng số tiền trên 14,932 tỷ đồng. Trung tâm phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc lúa, bắp lai đúng quy trình kỹ thuật nâng cao năng suất, sản lượng. Đến vụ thu hoạch, trung tâm tìm thị trường và ký hợp đồng thu mua, tiêu thụ bắp lai với các doanh nghiệp thu mua nông sản đảm bảo giá có lợi cho đồng bào. Kết thúc mùa vụ, trung tâm tổ chức thu mua trên 9.800 tấn bắp lai thương phẩm với giá trị trên 30 tỷ đồng, các hộ đồng bào sau khi hoàn trả tiền vốn ứng trước có thu nhập trên 16 tỷ đồng.

Ngay những ngày đầu năm mới, Trung tâm Dịch vụ miền núi tỉnh bắt tay ngay vào công việc tổ chức hướng dẫn đăng ký nhu cầu đầu tư ứng trước giống, vật tư phục vụ sản xuất năm 2018. Ông Vũ Đăng Diện – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ miền núi tỉnh cho biết: Thực hiện kế hoạch Ban Dân tộc, năm 2018 trung tâm triển khai đầu tư 2.700 ha bắp lai và 200 ha lúa nước cho các hộ đồng bào dân tộc được thụ hưởng chính sách. Năm nay, ngoài các đối tượng quy định tại Quyết định 05/QĐ-UBND của UBND tỉnh, các hộ còn nợ tiền đầu tư ứng trước với lý do nắng hạn, thiên tai được UBND xã xác nhận thì tiếp tục được nhận đầu tư. Bên cạnh đó, những hộ còn nợ của những năm trước nhưng có đất sản xuất, có lao động, có nguyện vọng nhận đầu tư để sản xuất trả nợ, có đơn đề nghị được UBND xã xác nhận sẽ được xem xét tạo điều kiện cho nhận đầu tư. Riêng đối với các hộ vi phạm hợp đồng đã ký với trung tâm như bán bắp ra ngoài, không trả nợ cho trung tâm sẽ không được nhận đầu tư nếu chưa trả hết nợ. Năm 2017, các địa bàn đầu tư ứng trước mới tập trung vào các xã thuần tại các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam. Do đó, năm 2018, ngoài việc mở rộng diện tích, theo kế hoạch của Ban Dân tộc, trung tâm mở rộng địa bàn đến các thôn xen ghép trên toàn tỉnh.

T.Duyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Cử tri xã Phan Điền:
Kiến nghị các vấn đề liên quan đến chế độ, chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số
BTO-Chiều 23/12, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bình Thuận ông Lê Quang Huy - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; ông Nguyễn Hữu Thông, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đã có buổi tiếp xúc cử tri tại xã Phan Điền (Bắc Bình), thông báo kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan, lãnh đạo huyện Bắc Bình và xã Phan Điền.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đầu tư ứng trước cho đồng bào sản xuất vụ mới