BT- Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ đảng viên đang làm suy giảm năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và uy tín của tổ chức cơ sở Đảng. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII “ về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đã ban hành được ví như “thanh bảo kiếm” nhằm ngăn ngừa, tiến tới đẩy lùi các biểu hiện trên. Sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết, Đảng bộ Bình Thuận đã đạt những kết quả phấn khởi ban đầu, tạo được niềm tin trong nhân dân.
Nhìn nhận đúng vấn đề mang tính hệ trọng, cấp bách nguy cơ đến sự tồn vong của chế độ, Đảng bộ Bình Thuận xác định: “Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng” là một trong ba nhiệm vụ cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay.
Do đâu suy thoái tư tưởng chính trị ?
Sự suy thoái về tư tưởng chính trị diễn ra là một quá trình dài, có nguyên nhân chủ quan từ mỗi cán bộ, đảng viên. Dưới tác động của cơ chế thị trường, tâm lý chạy theo lợi ích, vinh hoa, phú quý, đặc quyền, đặc lợi đã làm phai nhạt lý tưởng của một bộ phận cán bộ đảng viên. Mỗi cá nhân, khi tự nguyện đứng trong hàng ngũ của Đảng đều xác định đó là lý tưởng chính trị của mình, nguyện suốt đời hy sinh, phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng đó, “đảng viên cần phải hy sinh lợi ích của mình cho lợi ích chung của Đảng”. Suy thoái về tư tưởng chính trị chính là sự phai nhạt lý tưởng, niềm tin vào mục tiêu, con đường mà Đảng ta đã lựa chọn; nghi ngờ vai trò, năng lực lãnh đạo của Đảng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Suy thoái về tư tưởng chính trị còn là việc không chịu rèn luyện, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận, không sát thực tiễn nên giáo điều, rập khuôn, máy móc. Với người lãnh đạo như thế sẽ có nguy cơ đề ra những chủ trương, chính sách không sát với thực tế hoặc có những “lỗ hổng”, dễ bị lợi dụng, làm biến dạng bản chất tốt đẹp các chủ trương, chính sách mà Đảng, Nhà nước đề ra.
Có bao nhiêu người suy thoái?
Một câu hỏi không dễ trả lời, bởi trên thực tế cơ quan, đơn vị nào cuối năm khi kiểm điểm đảng viên không ai tự nhận mình có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Trong khi Đảng ta đã chỉ rõ 82 biểu hiện suy thoái thể hiện ở nhiều điểm như thái độ, trách nhiệm, viết, nói, móc nối, sáng tác, lợi dụng, phủ nhận, thao túng, thiếu dân chủ… Mặc dù những biểu hiện đã được định tính cụ thể nhưng để định lượng bao nhiêu người suy thoái vẫn chưa có lời giải. Khi mang những thắc mắc này trao đổi với các đảng viên đương chức, tôi cũng chỉ nhận được các câu đại loại như khó xác định thế nào là suy thoái. Và có mấy ai tự nhận mình có biểu hiện suy thoái, kiểu như bỗng dưng “vạch áo cho người xem lưng”, do vậy chuyện “dĩ hòa vi quý”, “tình thương mến thương”, anh ủng hộ tôi thì tôi sẽ ủng hộ anh vẫn còn trong kiểm điểm tự phê bình và phê bình.
Xem qua bản tổng hợp đánh giá chất lượng đảng viên của một đảng bộ trực thuộc Đảng bộ tỉnh, tôi nghĩ sự đánh giá ấy rất công tâm, công bằng, chính xác. Nhưng để tìm cho được những đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống thì rất hiếm, có chăng là vài ba đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ. Trong thực tế, ở đảng bộ đó, nhiều cán bộ, đảng viên hiện đang bị các cơ quan chức năng kiểm tra dấu hiệu vi phạm, thậm chí có vụ việc phải chuyển cho cơ quan điều tra làm rõ. Vấn đề đặt ra khi cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, điều tra, kết luận các cá nhân có sai phạm thì những việc làm trước đó có được hiểu rằng họ đã suy thoái hay không? Và nếu căn cứ vào các biểu hiện suy thoái mà Đảng ta đã chỉ ra thì họ suy thoái từ khi có những hành động, quyết định sai trái khi ký ban hành, gây thiệt hại cho Nhà nước về tài sản, tiền bạc. Chỉ đến khi để lại hậu quả và được phát hiện mới xem xét xử lý thì rất khó khắc phục, nhất là các vụ việc liên quan đến công tác cán bộ, đất đai, nhà cửa, tài sản công.
Và chiếu theo những quy định của Đảng và Nhà nước thì các “công bộc” của dân vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước đã suy thoái từ lâu nhưng chậm được phát hiện, xử lý.
Như Nguyễn - Ngọc Hân