Thời gian này tại ĐBSCL đang là chính vụ thu hoạch lúa Đông Xuân 2016 – 2017. Hiện giá lúa không ngừng tăng cao. Cũng từ đó, nhiều nông dân đang dở khóc dở cười vì câu chuyện đã lấy cọc lúa từ trước, không thể" bội tín" với thương lái.
Nông dân đang thu hoạch lúa |
Theo ông Phạm Văn Sáu, ấp Phú Hòa Yên, xã Song Phú, Tam Bình, Vĩnh Long, năm nay thời tiết bất lợi nên năng suất lúa của bà con địa phương đa phần đều giảm so với vụ Đông Xuân cùng kỳ năm trước.
Gia đình ông Phạm Văn Sáu có 4 công đất, ông vừa thu hoạch chỉ được 15 bao/công, năng suất giảm khoảng 20 %. Nhưng ông lại có niềm an ủi vì giá lúa rất cao. Năm trước, tại địa phương các giống lúa phổ biến như: OM 5451, OM 4900 giá đỉnh chỉ 94.000 đồng/giạ. Hiện tại, đã tăng lên 108.000 đồng/giạ.
Với giá lúa như vậy, mặc dù năng suất lúa có giảm nhưng nông dân vẫn có nguồn lợi nhuận không hề thua kém vụ lúa Đông Xuân trước. Tuy nhiên, giá lúa tăng cao đã nằm ngoài dự tính của nông dân. Thực tế tại địa phương, đa số người dân không bán được với giá trên vì họ đã ký hợp đồng, lấy tiền cọc của thương lái cả tháng trước, với giá thấp hơn rất nhiều.
ĐBSCL đang vào mùa thu hoạch lúa Đông Xuân 2016 – 2017 |
Theo tính toán của bà con, mỗi giạ lúa chênh lệnh giá lấy cọc và giá thị trường lên tới 8.000 – 10.000 đồng. Nếu trả lại tiền cọc, bồi thường thêm số tiền trong thỏa thuận người trồng lúa vẫn có lợi hơn. Tuy nhiên, đối với những nông dân ở đây, uy tín của bà con giá trị hơn rất nhiều. Như đối với gia đình anh Anh Lê Quốc Trung, xã Long Phú, huyện Tam Bình, với 4 ha đất canh tác vụ này, ước bị thiệt thòi so với giá chênh lệnh hơn 15 triệu đồng. Nhưng anh kiên quyết không bội tín.
Theo tìm hiểu của PV, nguyên nhân làm giá lúa tăng cao như hiện nay là do vụ Đông Xuân 2016 – 2017 thời tiết bất ổn. Đặc biệt, trong thời điểm lúa chuẩn bị thu hoạch, mưa lớn đã làm sập hàng loạt diện tích lúa tại nhiều tỉnh thành trong khu vực, làm năng suất lúa giảm.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nước ta lại đang thực hiện gom hàng để giao theo đơn đặt hàng cho các doanh nghiệp Philippines, khi Cơ quan Lương thực nước này đã cho phép nhập khẩu khoảng 293.000 tấn gạo của Việt Nam, nhằm đảm bảo nhu cầu lương thực cho mùa giáp hạt năm nay.
CTV Khánh Hưng/VOV