Một cơ sở giết mổ heo trên địa bàn Bình Thuận. |
Trước đó, UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, được sự hỗ trợ của các tỉnh, thành phố, trong thời gian qua, đề án đã đạt một số kết quả thiết thực, đến nay đã có 3.749 cơ sở đăng ký tham gia. Trong đó, đối với hệ thống truy xuất nguồn gốc trứng gia cầm, tổng số trại gia cầm lấy trứng đăng ký là 85 cơ sở; số trại gia cầm giống đăng ký 56 cơ sở. Đề án đã hỗ trợ kiểm soát và truy xuất nguồn gốc phần lớn thịt heo, gà, trứng gia cầm tiêu thụ tại thị trường thành phố. Đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người chăn nuôi; nâng cao tính minh bạch của sản phẩm, góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Tại Bình Thuận, hiện có khoảng 14 cơ sở tham gia đề án, thuộc địa bàn các huyện Đức Linh, Hàm Tân; thị xã La Gi, TP. Phan Thiết … Trong đó có Xí nghiệp chăn nuôi Vissan Bình Thuận, xã Đông Hà, Đức Linh; Trại Japfa Bình Thuận; Công ty TNHH Làng Sen Việt Nam - Trại Nguyễn Văn Liêm – La Gi; Co.opmart Phan Thiết…
UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, qua theo dõi tình hình thực hiện truy xuất nguồn gốc của các cơ sở tham gia đề án, nhất là các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, hiện vẫn còn nhiều trường hợp chưa thực hiện đúng các quy định của đề án như tình trạng kích hoạt và đeo vòng cho heo không đúng với trại đã đăng ký (thu mua heo từ các trại chưa tham gia đề án, nhưng thông tin truy xuất là heo từ các trại đã tham gia).
Do đó, nhằm khắc phục tình trạng khai báo thông tin nguồn gốc không chính xác và triển khai hiệu quả hơn đề án, UBND TP. Hồ Chí Minh đề nghị UBND các tỉnh, thành phố, trong đó có Bình Thuận chỉ đạo cơ quan chuyên ngành tiếp tục phối hợp, hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh trong việc tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với các cơ sở đăng ký tham gia đề án trên địa bàn tỉnh, thành phố.
K.H