Luật Phòng chống BLGĐ được cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp chỉ đạo triển khai đồng bộ đến 127 xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Trong đó công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách pháp luật luôn được chú trọng, thông qua nhiều hình thức đa dạng như phát thanh, treo băng rôn, pa nô với các khẩu hiệu xóa bỏ bạo lực và kêu gọi bình đẳng giới, bảo vệ chăm sóc, giáo dục trẻ em; tổ chức các buổi tập huấn, tọa đàm, hội thi tìm hiểu pháp luật cho các cán bộ và nhân dân tại địa phương. Ngoài ra, để kịp thời hỗ trợ nạn nhân bị BLGĐ, tránh các rủi ro về sức khỏe, tính mạng, nhiều mô hình đã được thành lập và phát huy hiệu quả, như “Địa chỉ tin cậy – nhà tạm lánh”, “Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc”, “Câu lạc bộ nói không với BLGĐ”, nhóm phòng chống BLGĐ... Từ những hoạt động thiết thực, nhận thức của mỗi người dân được nâng lên rõ rệt. Thông qua các buổi nói chuyện chuyên đề, tư vấn, tọa đàm người dân được tiếp cận nhiều hơn các kiến thức về chăm sóc sức khỏe các thành viên trong gia đình, hiểu thêm về cách ứng xử, hòa giải các mâu thuẫn, xây dựng gia đình hạnh phúc và hạn chế tối đa các vụ việc liên quan đến bạo lực, ly hôn.
Tuy nhiên qua thực tiễn thi hành luật có thể thấy, mặc dù đã có chế tài xử lý nhưng BLGĐ vẫn đang là một vấn đề nhức nhối, những vụ án vợ giết chồng, anh giết em, con giết cha và ngược lại đang có xu hướng gia tăng với có tính chất ngày càng nghiêm trọng, gây hậu quả nặng nề cho gia đình nạn nhân và gây bất bình trong dư luận. Thống kê từ năm 2008 đến năm 2018, trên địa bàn tỉnh xảy ra hơn 11.300 vụ BLGĐ với hơn 11.700 nạn nhân, trong đó có gần 8.000 vụ bạo lực đối với phụ nữ, hơn 1.900 vụ đối với trẻ em. Công an tỉnh đã xử lý hơn 970 vụ, trong đó xử lý hình sự 28 vụ, còn lại là xử lý hành chính, hòa giải, cảnh cáo.
Những con số trên mới chỉ là bề nổi, bởi trên thực tế BLGĐ vẫn tiềm ẩn trong nhiều gia đình mà chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng chưa thể phát hiện và xử lý. Bà Nguyễn Lan Ngọc – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, công tác xử lý hành vi BLGĐ trên thực tế gặp nhiều khó khăn nguyên nhân là do tâm lý của một số nạn nhân bị bạo lực còn e ngại, sợ sệt, chấp nhận cam chịu, không tố giác, khai báo kịp thời, chỉ đến khi hậu quả nghiêm trọng mới trình báo cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền phổ biến Luậtphòng chống BLGĐ ở địa bàn cơ sở chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả tác động chưa cao...
Theo bà Ngọc, nguyên nhân dẫn đến BLGĐ chủ yếu là do chồng hoặc vợ tham gia vào tệ nạn xã hội như nghiện bia rượu, nghiện ma túy, cờ bạc; vợ hoặc chồng ngoại tình, trình độ văn hóa thấp, thiếu hiểu biết pháp luật… Đặc biệt, rào cản về tâm lý, phong tục tập quán ăn sâu vào nếp nghĩ của người dân với tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”, bất bình đẳng giới, hay sự lạm dụng, hiểu sai mục đích của biện pháp nghiêm khắc trong giáo dục con cái theo quan niệm “thương cho roi cho vọt”, dẫn đến việc nhiều bậc cha mẹ tự cho mình quyền được đánh đập, hành hạ con cái. Hậu quả về lâu dài làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, sức khỏe, thể chất, tinh thần của nạn nhân bị bạo lực, nhất là vấn đề học tập, giao tiếp bạn bè của trẻ em, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế gia đình.
Luậtphòng chống BLGĐ là hành lang pháp lý quan trọng cho việc xây dựng các mô hình và tổ chức các biện pháp phòng, chống BLGĐ có hiệu quả hơn. Tuy nhiên, để đẩy lùi và tiến tới xóa bỏ BLGĐ là một vấn đề nhạy cảm, phức tạp, gắn liền với truyền thống, văn hóa, phong tục, tập quán của mỗi địa phương và nhận thức, suy nghĩ của người dân. Do đó, để Luật Phòng chống BLGĐ thực sự đi vào cuộc sống cần tăng cường hơn nữa trong công tác cổ động trực quan, giáo dục, phổ biến pháp luật, tuyên truyền và vận động sâu rộng để người dân hiểu rõ vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng ngừa những tệ nạn tiêu cực xâm nhập vào đời sống gia đình. Đồng thời nghiêm khắc xử phạt vi phạm hành chính các hành vi BLGĐ. Duy trì và nhân rộng các mô hình, giáo dục tiền hôn nhân cho thanh niên…
K.CHI