Cụ thể, một số cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh có văn bản phản ánh hết mặt hàng dầu DO 0,05s để cung cấp cho các tàu cá và cho sản xuất, tiêu dùng của người dân. Đồng thời, Sở Công Thương cũng đã ban hành nhiều công văn yêu cầu các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu tích cực tìm kiếm nguồn hàng (từ thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối xăng dầu khác) để đảm bảo không gián đoạn nguồn cung xăng dầu. Mặt khác còn yêu cầu các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tại địa phương duy trì việc mở cửa bán hàng theo quy định.
Được biết mới đây vào ngày 6/9/2022, lực lượng Quản lý thị trường Bình Thuận đã thực hiện việc giám sát đối với 267 cửa hàng kinh doanh xăng dầu. Tình hình cho thấy toàn tỉnh hiện có 13 cửa hàng tạm ngưng bán mặt hàng xăng hoặc dầu, nguyên nhân chủ yếu là vì hết hàng do các thương nhân đầu mối cung cấp xăng dầu số lượng nhỏ giọt, cầm chừng, chỉ đủ cung ứng trong ngày hoặc trong thời gian ngắn. Thực tế cũng không phát hiện cơ sở kinh doanh xăng dầu nào có hành vi đầu cơ, găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu và các cửa hàng kinh doanh xăng dầu đều mở cửa hoạt động…
Qua phản ánh thông tin của các cửa hàng xăng dầu tại địa phương và hoạt động giám sát của lực lượng Quản lý thị trường, Sở Công Thương đã đề nghị Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) chỉ đạo thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu chủ động nguồn hàng để bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho địa bàn Bình Thuận. Như: Công ty CP Xăng dầu dầu khí Bình Thuận, Công ty CP Thương mại và vận tải Liên Kết, Công ty TNHH Thanh Châu Phát, Công ty CP Dịch vụ nông nghiệp Bình Thuận, Công ty TNHH TM Vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil, Chi nhánh Công ty CP Tập đoàn Dương Đông tại Kiên Giang… Qua đó góp phần không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh và cung cấp đủ hàng, có giải pháp hỗ trợ cung cấp dầu cho các cửa hàng xăng dầu nhằm ổn định tình hình trên địa bàn Bình Thuận.