Theo dõi trên

Đề nghị xem xét giao Bộ Tư pháp xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng áp dụng chung

25/10/2024, 17:09

BTO-Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều nay 25/10, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi). Tiếp đó, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).

Rà soát quy định liên quan đến thành viên hợp danh

Phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông cơ bản đồng tình với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

dsc_1420.jpg
Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông phát biểu về dự thảo Luật Công chứng (sửa  đổi) chiều nay 25/10.

Để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Hữu Thông góp ý cụ thể tại Điều 20 về văn phòng công chứng. Đại biểu cơ bản thống nhất chọn Phương án 1; tuy nhiên, đề nghị quy định rõ thế nào là “mật độ dân số thấp, cơ sở hạ tầng và dịch vụ chưa phát triển và khó khăn trong việc thành lập Văn phòng công chứng theo loại hình công ty hợp danh theo quy định của Chính phủ...” trong dự thảo Luật hoặc giao cho Chính phủ hoặc UBND cấp tỉnh quy định cụ thể về nội dung này; để tránh trường hợp các văn phòng công chứng (VPCC) hiện nay đang hoạt động theo loại hình công ty hợp danh xin chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp tư nhân sau khi Luật có hiệu lực thi hành. Từ đó, dẫn đến gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước ở địa phương.

Tại Điều 27 về tiếp nhận thành viên hợp danh mới của Văn phòng công chứng; cụ thể khoản 1 Điều 27 dự thảo quy định: “Thành viên hợp danh là công chứng viên mới phải nộp đủ số vốn cam kết góp vào Văn phòng công chứng...”; theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông, quy định này chưa thật sự phù hợp, thống nhất với Luật Doanh nghiệp. Lý giải, đại biểu cho rằng, theo quy định của Luật Doanh nghiệp thì thành viên của Công ty hợp danh có thể là thành viên hợp danh hoặc thành viên góp vốn và trong một số điều khác của dự thảo Luật này cũng chỉ đề cập “thành viên hợp danh”, chỉ có Điều 27 dự thảo là quy định “thành viên hợp danh phải góp vốn...”. Do đó đại biểu đề nghị sửa đổi, bổ sung nội dung nêu trên phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

Ngoài ý kiến góp ý cụ thể nêu trên, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát những quy định liên quan đến bổ sung, chấm dứt thành viên hợp danh thì Dự thảo nên kế thừa Luật Công chứng năm 2014 hiện hành và các văn bản hướng dẫn thi hành; các quy định của Luật Doanh nghiệp để quy định cho phù hợp; những nội dung nào Luật Doanh nghiệp đã có quy định thì chỉ cần dẫn chiếu quy định của Luật Doanh nghiệp để thực hiện.

Giao Bộ Tư pháp xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng

Liên quan đến tạm ngừng hoạt động Văn phòng công chứng tại Điều 30 dự thảo, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị bổ sung thêm trường hợp tạm ngừng hoạt động của VPCC trong trường hợp “VPCC vi phạm thời hạn bổ sung công chứng viên hợp danh” vào khoản 1 Điều 30. Vì trước khi kiểm tra, rà soát và trình UBND tỉnh hồ sơ thu hồi, Sở Tư pháp cần có thời gian tạm ngừng VPCC để thực hiện rà soát củng cố hồ sơ, lập biên bản làm việc để có đầy đủ căn cứ trình UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi, tránh trường hợp VPCC tiếp tục hoạt động, hành nghề trong thời gian này. Theo đó, có thể quy định thời gian tạm ngừng cho trường hợp này tại khoản 2 là 10 ngày.

251020240227-z5966168728121_b311947ecff200d1f00f3836c001b947.jpeg
Toàn cảnh phiên thảo  luận về dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).

Tại Điều 47 về ký, điểm chỉ trong văn bản công chứng, đại biểu đề nghị bỏ quy định “Việc ký văn bản công chứng trước sự chứng kiến của công chứng viên phải được chụp hình và lưu trữ trong hồ sơ công chứng” tại khoản 1. Vì hiện nay, theo yêu cầu của Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06), theo đó yêu cầu các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện triển khai xác thực thông tin cư trú của người yêu cầu công chứng bằng các thiết bị đầu đọc chip trên thẻ CCCD, xác thực sinh trắc học có hiển thị khuôn mặt,...Do đó, việc quy định chụp hình và lưu trữ việc ký văn bản công chứng là không cần thiết.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị nên bổ sung (luật hóa) nội dung trên vào quy định dự thảo Luật Công chứng, cụ thể như: “Các tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm thực hiện xác thực sinh trắc học thông tin cư trú của người yêu cầu công chứng trên thẻ CCCD...” để có đầy đủ căn cứ pháp lý cho các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện.

Xung quanh cơ sở dữ liệu công chứng, tại khoản 3 Điều 63 dự thảo Luật quy định “UBND cấp tỉnh có trách nhiệm xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng của địa phương;…”. Theo đó, mỗi tỉnh sẽ có một cơ sở dữ liệu công chứng, quy chế sử dụng, một cách triển khai khác nhau với quy mô đầu tư, cách thức quản lý, khai thác nền tảng công nghệ và chức năng tiêu chuẩn của cơ sở dữ liệu khác nhau. Mỗi tỉnh đều phải lập dự án và thực hiện từ bước khảo sát, thiết kế, lập trình, triển khai ứng dụng, đào tạo và duy trì bộ máy vận hành cơ sở dữ liệu. Điều này tạo ra một sự lãng phí lớn, thay vì chỉ xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu áp dụng thống nhất thì phải thiết kế tới 63 hệ thống khác nhau tại mỗi tỉnh, thành.

Mặc khác, việc công chứng một số giao dịch bất động sản quy định tại Điều 41 dự thảo Luật và các giao dịch về động sản không bị giới hạn trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có tổ chức hành nghề công chứng. Do đó, nhằm ngăn chặn và cảnh báo rủi ro trong hoạt động công chứng, đại biểu đề nghị xem xét nên quy định giao Bộ Tư pháp xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng áp dụng chung, thống nhất trên toàn quốc.

THU HÀ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Chống lợi ích nhóm trong quy hoạch đô thị và nông thôn
BTO-Sáng nay 25/10, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đề nghị xem xét giao Bộ Tư pháp xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng áp dụng chung