Theo dõi trên

Để thi đua thành động lực phát triển kinh tế - xã hội

28/12/2021, 06:25 - Lượt đọc: 600

BT- Cứ vào đầu năm, các cấp, ngành, đơn vị, địa phương đều phát động thi đua, kêu gọi cán bộ, đảng viên, công chức quyết tâm phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao trong năm. Thi đua không những để hoàn thành nhiệm vụ mà còn ra sức tu dưỡng, rèn luyện để phục vụ nhân dân. đó là những nội dung cơ bản, xuyên suốt thúc đẩy mạnh mẽ phong trào thi đua yêu nước trong các cơ quan, đơn vị và địa phương, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”.

quang-n-2-.jpg
Quang cảnh thành phố Phan Thiết. Ảnh: N.Lân

Năm 2021, diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của tỉnh. Là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIV của Đảng bộ tỉnh. Phải khẳng định rằng, trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, các địa phương trong tỉnh đã phải áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 mạnh mẽ, quyết liệt để thực hiện mục tiêu ưu tiên trước hết, trên hết là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các địa phương, nên kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Quy mô kinh tế mở rộng, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. An sinh xã hội và các hoạt động văn hóa, thể thao, giáo dục, y tế thường xuyên được quan tâm. Các gói hỗ trợ cho công tác an sinh xã hội, hỗ trợ nhân dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 tiếp tục được thực hiện nên đời sống của người dân nhìn chung ổn định. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực có bước tiến mạnh, đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2021 cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến rất phức tạp, số ca mắc tăng cao, các hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ, các chuỗi sản xuất, cung ứng bị đứt gãy, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn. Các ngành, lĩnh vực và hoạt động xuất khẩu tăng trưởng thấp, số doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể cao…

Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh trong năm 2022 và những năm tiếp theo, Chủ tịch UBND tỉnh đã phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025) theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh kêu gọi và đề nghị thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục quán triệt, triển khai, tuyên truyền sâu rộng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong nhận thức, tư tưởng, làm cho thi đua thực sự trở thành ý thức tự giác, trách nhiệm và việc làm thường xuyên của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi đơn vị, cá nhân. Huy động và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, tạo động lực góp phần tích cực vào thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV.

Để phát huy những kết quả, thành tích mà các phong trào thi đua yêu nước đã đạt được, thời gian tới, các cấp, các ngành cần tiếp tục quán triệt, thấm nhuần sâu sắc tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh - “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”. Tập trung thực hiện các phong trào thi đua lớn do Thủ tướng Chính phủ phát động như: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” và các phong trào thi đua yêu nước tiêu biểu do tỉnh phát động, gắn với nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, đồng thời gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các phong trào thi đua theo hướng tập trung về cơ sở, bám sát nhiệm vụ chính trị và chủ đề thi đua giai đoạn 2020 – 2025: “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”. Coi trọng việc xây dựng, nhân rộng các điển hình, mô hình tiên tiến, lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy gương người tốt, việc tốt để giáo dục, nêu gương, tạo nên không khí phấn khởi, đồng thuận trong các tầng lớp xã hội, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, đưa quê hương Bình Thuận ngày càng phát triển giàu mạnh, phồn vinh.

THANH QUANG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Chuyển đổi số phục vụ phát triển kinh tế, xã hội
BT- Chính phủ đã xác định được tầm quan trọng của chuyển đổi số trong công cuộc xây dựng kinh tế, phát triển đất nước. Mục tiêu được nêu rõ trong “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Việt Nam có kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số ở mỗi ngành tối thiểu 10%; năng suất lao động tăng tối thiểu mỗi năm 7%; thuộc nhóm top 50 quốc gia dẫn đầu về công nghệ thông tin…Trong xu hướng ấy, Bình Thuận đang xúc tiến chuyển đổi số theo đà phát triển của đất nước. Mặc dù xuất phát điểm về lĩnh vực này đang ở mức trung bình thấp, nhưng phải tháo gỡ khó khăn, thu hút đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin phát triển các lĩnh vực có lợi thế của địa phương, đưa kinh tế tỉnh nhà đi lên.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Để thi đua thành động lực phát triển kinh tế - xã hội