Theo dõi trên

Để xuất khẩu thủy sản Bình Thuận vươn xa: Cần bảo vệ nguồn lợi thủy sản tốt hơn nữa

21/02/2020, 09:48

 BT- Ngày 12/2 mới đây, Nghị Viện châu Âu (EU) thông qua Hiệp định thương mại Tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam. Đây là tin vui với nhiều người, nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

                
Khai thác hải sản. Ảnh: Đình Hòa

EVFTA và thủy sản xuất khẩu

Theo thỏa thuận, khi EVFTA có hiệu lực, hàng hóa Việt Nam vào EU được giảm 70% thuế quan; phần còn lại được xóa trong những năm tiếp theo. Theo đó, các mặt hàng: hàu, điệp, mực… khi nhập vào khối thị trường chung châu Âu sẽ về mức 0% thay vì 20% như trước đây. Các sản phẩm: mực, bạch tuộc đông lạnh cũng sẽ về 0%, thay vì 6 - 8%; cá cờ kiếm từ 7,5% về 0%.

Đây là cơ hội tốt cho Việt Nam trong việc đa dạng hóa quan hệ thương mại; các doanh nghiệp trong nước, các tác nhân kinh tế có điều kiện thay đổi, nâng cao công nghệ chế biến và bảo quản sản phẩm, thu hút ngoại tệ, làm giàu cho đất nước. Ở góc độ địa phương, Bình Thuận cũng được hưởng lợi từ EVFTA, bởi tỉnh có thế mạnh về xuất khẩu thủy sản; có nhiều mặt hàng nằm trong diện xuất đi châu Âu, ngay sau khi hiệp định có hiệu lực.

 Cơ hội của thủy sản Bình Thuận

Cụ thể,  tỉnh có bờ biển dài 192 km, vùng lãnh hải rộng hơn 52.000  km2; là một trong những ngư trường giàu tiềm năng thủy sản của đất nước. Ngư dân Bình Thuận giàu kinh nghiệm đánh bắt; có  hơn 7.000 tàu cá, trong đó hơn 3.000 tàu có công suất từ 90 CV trở lên. Sản lượng khai thác hàng năm đạt trên 200.000 tấn.

Đôi tàu dịch vụ xa bờ tăng khá, được trang bị hệ thống cấp đông khá hiện đại, có thể đi dài ngày trên biển. Nhiều năm liền, xuất khẩu thủy sản của Bình Thuận chiếm vị trí quan trọng trong xuất khẩu thủy sản của cả nước… Có thể thấy điều này trong năm 2019, tuy  ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, gió bão, ngư trường không thuận lợi, song ngư dân Bình Thuận vẫn bám biển khai thác. Cả năm ước đạt 220.327,8 tấn sản phẩm, tăng 1,16% so cùng kỳ.  Xuất khẩu thủy sản vì thế  góp phần làm cho kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh năm 2019 đạt 462,2 triệu USD, tăng 6,47% so với năm 2018.

Tuy nhiên, đánh giá sâu, xuất khẩu thủy sản của Bình Thuận trong năm 2019 có tăng về số lượng  nhưng  giảm về giá trị  xuất khẩu so với trước vì thị trường Trung Quốc siết chặt thương mại tiểu ngạch; gặp sự cạnh tranh của Ấn Độ và Ecuador trên thị trường tôm…

Vì vậy, EVFTA giữa Việt Nam và châu Âu, hàng hóa Việt Nam nói chung và Bình Thuận nói riêng có thêm cửa ngõ xuất đi, nếu chúng  ta đáp ứng được các tiêu chí đánh giá hàng hóa của EU. Với Bình Thuận, cơ hội  xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU ngày càng nhiều hơn, nếu Bình Thuận thực hiện tốt hơn nữa việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản. 

Bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Ở đây, trong bài viết này, chúng tôi đặc biệt chú ý đến vấn đề bảo vệ nguồn lợi thủy sản của Bình Thuận vì có bảo vệ tốt mới có nguồn lợi  để khai thác lâu dài. Một khi nguồn lợi thủy sản cạn kiệt  dầu có muốn khai thác nhiều thì chẳng còn để thực hiện. Trong nhiều năm qua, Bình Thuận đã tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy sản bằng việc đẩy lùi nạn giã cào bay khai thác không đúng tuyến;  khai thác các loại hải đặc sản không đúng kích cỡ, mùa vụ…;  ngăn cấm dùng xung điện, đánh cá bằng chất nổ… Tuy vậy, việc ngăn chặn ngư dân dùng lưới mắt nhỏ, dùng lưới rập (xuất xứ Trung Quốc) để đánh các loại cá nhỏ, đánh ven bờ… chưa thật sự tốt. Có thể thấy rõ điều này nếu tìm hiểu nghề đánh cá của  khu Tân Long của phường Bình Tân và thôn Hiệp An (xã Tân Tiến), thị xã La Gi, thì thấy có không ít ngư dân đánh cá bằng lưới rập, cách bờ  5 - 6 hải lý, 4 giờ sáng đi, 7 giờ sáng vào bờ. Nhìn vào sản phẩm ngư dân thu được, đa phần là cá nhỏ, có không ít con  chỉ bằng đầu mút ngón tay út, hoặc nhỏ hơn nữa. Quan sát thấy, sau khi lựa những con cá có thể bán được, những người đánh bắt bằng lưới rập nói trên, bỏ hải sản không bán được thành đống to, nhỏ trên bãi biển. Chỉ cần nhìn vào đó, một người có lương tâm, trách nhiệm với cộng đồng không khỏi xót xa. Ở thị xã La Gi, hoặc rộng ra là ở Bình Thuận chỉ cần  vài  nơi đánh  bắt và bỏ lãng phí như vậy, trong 1 năm nguồn lợi thủy sản hao tổn  thế nào? Chắc là chưa có con số để ước tính!

 Vậy thì vấn đề cần đề cập lúc này là tăng cường khâu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, cùng với khai thác, đánh bắt hợp lý. EVFTA theo chúng tôi nghĩ như một chiếc cầu để đưa ngư dân Bình Thuận đến sự khá giả, song có khá giả được hay không còn tùy thuộc rất nhiều ở ngư dân, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu… nếu nhìn từ giác độ bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Hà Thanh Tú



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Để xuất khẩu thủy sản Bình Thuận vươn xa: Cần bảo vệ nguồn lợi thủy sản tốt hơn nữa