Đường giao thông ở xã nông thôn mới Nam Chính, Đức Linh. |
Theo đó, tiếp tục thực hiện cứng hóa các tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2021 – 2025. Phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 80% km (tương đương 1.734 km) đường giao thông nông thôn (cả ở địa bàn khu phố) được kiên cố hóa, tập trung trước hết ở các tuyến đường trên địa bàn dân cư và 28 xã còn lại chưa đạt chuẩn nông thôn mới, 5 xã chưa hoàn thành tiêu chí 2 giao thông và các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; đường nội bộ trên các thôn, xóm, bản; đường vào khu sản xuất tập trung; đường hẻm, ngõ ngách bên trong đô thị.
Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 03/2011 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2011 - 2015, Nghị quyết số 104/2011 và Nghị quyết số 89/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh về phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2011-2020, đã đạt được những kết quả quan trọng. Với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” đã tạo được phong trào làm đường giao thông nông thôn diễn ra khá sôi nổi, sâu rộng, dân chủ được phát huy, ý thức trách nhiệm và quyền làm chủ của nhân dân được khơi dậy; tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng từng bước được khắc phục; nguồn vốn huy động trong nhân dân để làm giao thông nông thôn đạt kết quả cao. Hệ thống đường giao thông nông thôn được cứng hóa bằng bê tông ngày càng nhiều (1.277km), góp phần cải thiện đáng kể điều kiện đi lại sản xuất của nhân dân, từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn, góp phần cho 85 xã/93 xã hoàn thành tiêu chí giao thông và 65 xã/93 xã đạt chuẩn nông thôn mới thuộc Chương trình nông thôn mới của tỉnh.
Tuy nhiên, đến nay Nghị quyết số 89/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc tiếp tục phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2016 - 2020 đã hết hiệu lực, trong khi nhu cầu cứng hóa các tuyến đường giao thông nông thôn trong giai đoạn 2021 - 2025 của các địa phương là rất lớn. Đồng thời, để triển khai thực hiện Nghị quyết số 20/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả giám sát thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020. Trong đó, HĐND tỉnh đề xuất tiếp tục phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025. Ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa không quá 80% (trong đó: ngân sách tỉnh hỗ trợ tối đa không quá 65%; ngân sách huyện hỗ trợ tối đa không quá 15%). Nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong xã hội tối thiểu 20%. Việc quy định tỷ lệ đóng góp của các khu vực nói trên trừ những nơi mà nhân dân tự nguyện đóng góp 100% để làm đường giao thông nông thôn. Đồng thời khuyến khích các tổ chức và cá nhân ở các địa phương tự nguyện đóng góp nhiều hơn mức quy định tối thiểu như trên.
Về mức huy động đóng góp tối đa của nhân dân đối với 1 công trình:
Khu vực 1: Mức huy động tối đa cho 1 công trình là 2 tỷ đồng; Khu vực 2: Mức huy động tối đa cho 1 công trình là 1,5 tỷ đồng; Khu vực 3: Mức huy động tối đa cho 1 công trình là 1 tỷ đồng.
HĐND tỉnh quy định mức đóng góp của nhân dân và tổng mức huy động đóng góp tối đa của nhân dân trên cơ sở tham vấn ý kiến nhân dân từ năm 2011 và ban hành Nghị quyết thực hiện từ năm 2011 cho đến nay đều thuận lợi và hiệu quả.
Về đối tượng miễn, giảm và mức miễn, giảm:
Đối tượng miễn, giảm là các gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ neo đơn không có khả năng đóng góp. Đối tượng miễn, giảm và mức miễn, giảm cụ thể cho từng đối tượng sẽ do chính quyền địa phương ở cơ sở tổ chức họp nhân dân trong từng thôn, xóm, khu phố bàn bạc thống nhất, quyết định và được niêm yết công khai tại địa phương theo quy định tại Pháp lệnh về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn ngày 20/4/2007.
Về cơ chế thực hiện:
Cơ chế quản lý: Thực hiện theo cơ chế đặc thù trong tổ chức thực hiện dự án đầu tư xây dựng có sự tham gia thực hiện của cộng đồng thuộc cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Cơ chế vốn đầu tư phát triển giao thông nông thôn thực hiện theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” với cơ cấu tỷ lệ như sau:
Khu vực 1: Các phường thuộc thành phố Phan Thiết, thị xã La Gi; các thị trấn ở các huyện, trong đó: Các phường: Ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa không quá 55% (trong đó: ngân sách tỉnh hỗ trợ tối đa không quá 40%; ngân sách thị xã La Gi và thành phố Phan Thiết hỗ trợ tối đa không quá 15%). Nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong xã hội tối thiểu 45%.
Các thị trấn: Ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa không quá 60% (trong đó: ngân sách tỉnh hỗ trợ tối đa không quá 43%; ngân sách huyện hỗ trợ tối đa không quá 17%). Nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong xã hội tối thiểu 40%.
Khu vực 2: Các xã thuộc thành phố Phan Thiết, thị xã La Gi và các xã thuộc các huyện còn lại.
Ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa không quá 65% (trong đó: ngân sách tỉnh hỗ trợ tối đa không quá 50%; ngân sách huyện, thị xã La Gi và thành phố Phan Thiết hỗ trợ tối đa không quá 15%). Nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong xã hội tối thiểu 35%.
Khu vực 3: 3 xã khu vực III thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Xã La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc; xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam; xã La Ngâu, huyện Tánh Linh và 10 thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, gồm: Thôn Tiến Thành, xã Phan Tiến, huyện Bắc Bình; thôn 2, xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc; thôn 2, xã Đông Tiến, huyện Hàm Thuận Bắc; thôn Dân Hiệp, xã Thuận Hòa, huyện Hàm Thuận Bắc; thôn 1, xã Măng Tố, huyện Tánh Linh; thôn 4, xã Gia Huynh, huyện Tánh Linh; thôn 2, xã Suối Kiết, huyện Tánh Linh; thôn 4, xã Đức Bình, huyện Tánh Linh; khu phố Trà Cụ và khu phố Tân Thành, thị trấn Lạc Tánh, huyện Tánh Linh.
C.N;ảnh: N.Lân