Theo dõi trên

Đến với Hiền Lương - Bến Hải

10/06/2024, 05:14

Trong những lần đi công tác, hay có dịp về quê hương Quảng Trị, tôi đều sắp xếp để được đến tham quan cầu Hiền Lương bắc qua dòng sông Bến Hải đã đi vào lịch sử của một thời chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Dòng sông tuyến ấy vô tình trở thành chứng nhân lịch sử chảy lững lờ về hạ lưu qua làng tôi, trước khi ra biển Cửa Tùng. Ngày nay các di tích lịch sử đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải trở thành tour DMZ (du lịch chiến trường xưa) của Quảng Trị, thu hút du khách trong, ngoài nước tham quan.

Dòng sông tuyến

Trong chuyến đi công tác cùng các bạn trẻ Sở Công Thương Bình Thuận tham dự chương trình Gặp gỡ Thái Lan tại thành phố Đông Hà cách đây chưa lâu, tôi đã bắt gặp sự đồng điệu của các bạn trẻ trong đoàn thích tham quan di tích lịch sử nối cầu Hiền Lương. Địa chỉ du lịch DMZ chỉ cách Đông Hà hơn 24 km về hướng Bắc, thuận tiện cho các bạn tham quan vào ngày cuối tuần. Buổi sáng mùa hè khi ấy, không có gió Lào hanh khô thổi qua như mọi khi, không khí thoáng mát như “chào đón” các bạn trẻ đoàn Bình Thuận về với cầu Hiền Lương, sông Bến Hải. Các thành viên trong đoàn hào hứng khi được tham quan các di tích lịch sử nổi tiếng ở vùng đất giới tuyến của một thời chiến tranh khói lửa. “Địa chỉ đỏ” ấy bây giờ là Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải có diện tích 9 ha gồm các hạng mục: Nhà trưng bày lịch sử; cột cờ giới tuyến; nhà liên hợp; đồn công an; cầu Hiền Lương lịch sử; các dàn loa; tháp canh...

img_0491.jpg
 Các bạn trẻ Sở Công thương Bình Thuận chụp ảnh lưu niệm trên cầu Hiền Lương

Nhà trưng bày lịch sử ở Khu di tích ghi dấu tích một thời, sau khi Hiệp định Genève được ký kết (tháng 7/1954), nước ta tạm thời bị chia cắt làm 2 miền Bắc-Nam, lấy vĩ tuyến 17 trên sông Bến Hải làm ranh giới, chờ đến tháng 7/1956 tiến hành tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Nhưng với những biến cố do sự phá hoại của các thế lực thù địch đã khiến chúng ta phải mất 21 năm sau, đến năm 1975, với bao xương máu của chiến sĩ, đồng bào ta đã đổ xuống mới giành được độc lập, thống nhất đất nước.

Bây giờ Nhà liên hợp - công trình được phục dựng vào tháng 7/2004, ở Khu di tích như một dấu ấn của thời chia cắt ấy, là ngôi nhà sàn bằng gỗ quý, mái lợp tranh, thoáng mát, nơi làm việc của Tổ giám sát quốc tế 76 về việc thực thi Hiệp định Genève.

img_8810.jpg
Nhà liên hợp.

Cầu Hiền Lương

Trong khi đó, cầu Hiền Lương là trung tâm của Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải. Cầu nằm ngay trên vĩ tuyến 17, bắc qua sông Bến Hải, đoạn chảy qua thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh bờ bắc và thôn Xuân Hòa, xã Trung Hải, huyện Gio Linh bờ nam (Quảng Trị). Nhìn trên bản đồ Tổ quốc, sông Bến Hải như một dải lụa mảnh, bắt nguồn từ trên đỉnh núi Động Chân thuộc dãy Trường Sơn trước khi chảy lượn lờ dọc theo vĩ tuyến 17 và tìm ra biển lớn ở Cửa Tùng. Bến Hải cũng là ranh giới tự nhiên giữa hai huyện Vĩnh Linh và Gio Linh của tỉnh Quảng Trị với thôn Minh Lương (tên gọi cũ) phía bờ bắc và thôn Xuân Hòa bờ nam.

img_8852.jpg
Cầu Hiền Lương nhìn từ hướng bờ nam.
img_8871.jpg
Khách nước ngoài tham quan cầu Hiền Lương lịch sử.

Theo sách “Đại Nam nhất thống chí”, thời vua Minh Mạng, tránh phạm húy, Minh Lương được đổi tên thành Hiền Lương. Vào thời điểm này, việc giao thương đi lại vẫn chỉ được thực hiện bằng các chuyến đò. Phải tới năm 1928, trong nỗ lực nối đôi bờ, từ phía Bắc, phủ Vĩnh Linh khi đó mới huy động hàng ngàn nhân công địa phương dựng cầu. Chỉ sau một thời gian ngắn, Hiền Lương chính thức được hình thành có chiều rộng 2m, đóng bằng cọc sắt dành riêng cho người đi bộ. Sau đó, người Pháp tiếp tục nâng cấp cầu để xe cỡ nhỏ có thể đi qua. Tới năm 1950, phục vụ nhu cầu giao thông, quân sự ngày càng lớn, người Pháp quyết định xây dựng chiếc cầu bằng bê tông cốt thép, chính thức biến Hiền Lương thành một phần quan trọng kết nối dặm đường thiên lý Bắc -Nam. Khi ấy, cầu dài 162 m, rộng 3,6 m, trọng tải 10 tấn. Cây cầu tồn tại được 2 năm trước khi bị du kích đặt bộc phá đánh sập ngăn chặn tiến công của người Pháp. Tháng 5/1952, Hiền Lương tiếp tục được xây mới với 7 nhịp, dài 178m, trụ bằng bê tông cốt thép, dầm thép, mặt lát bằng gỗ thông, rộng 4 m. Hai bên cầu thành chắn cao 1,2 m. Trọng tải tối đa lên tới 18 tấn. Đây cũng là cây cầu nguyên bản, tồn tại suốt 15 năm trong vai trò giới tuyến của thời chiến tranh chống Mỹ cứu nước.

Ngày nay, khi đi qua chiếc cầu lịch sử này, hầu như ai cũng đi chậm hơn để được chạm vào “lịch sử”; cầu là nhân chứng một thời hai miền Nam - Bắc chia cắt, đã nối liền một cõi cách đây gần 50 năm về trước. Một bạn trong đoàn Bình Thuận đứng trên cầu Hiền Lương khi ấy chia sẻ: “Vào Nam ra Bắc mấy lần, nay được dừng chân tham quan Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, tỉnh Quảng Trị, em cảm thấy tự hào bởi lần đầu tiên được tận mắt chứng kiến tỉ mỉ di tích lịch sử mà trước đó chỉ biết qua sách vở”. Không chỉ các bạn trẻ ở Bình Thuận mà còn có các bạn nữ học sinh tỉnh Thừa Thiên Huế dịp hè cũng được ra đây lần đầu, vừa đi vừa trò chuyện thú vị về cây cầu lịch sử này. Hôm ấy còn có đoàn khách Tây nam nữ khá đông, họ đi chậm rãi trên trên cầu rồi dừng chân chụp ảnh kỷ niệm, chỉ tay xuống dòng Bến Hải như dấu tích của thời chiến tranh đã qua từ lâu. Còn tôi trước đây cũng chỉ đôi ba lần ngồi xe ô tô lướt qua cầu Hiền Lương, có lần về quê ra cầu tham quan lại gặp cảnh mưa phùn dai dẳng miền Trung, đành quay về với bao luyến tiếc. Dịp trở lại mùa hè lần này, thời tiết nắng ráo, gió từ sông Bến Hải thổi vào mát rượi, tôi cùng các bạn trẻ trong đoàn Bình Thuận có thời gian dài tham quan, chụp ảnh Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải. Tôi chậm bước trên cây cầu lịch sử, nằm ngay chính trên vùng đất quê hương của mình (xã Trung Hải, Gio Linh, Quảng Trị), với bao nỗi tự hào của người con ở xa được thăm lại cụm di tích lịch sử đặc biệt của quê hương, ghi lại dấu ấn hào hùng những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước cho đến ngày non sông về một cõi.

Tôi chợt nhớ đến những cô, bác, anh, chị đồng hương làng Bách Lộc, Trung Hải, Gio Linh, khi họ nói về những năm tháng đi theo các đoàn K7, K8 ra miền Bắc tránh bom đạn, học tập trong thời chống Mỹ. Họ tạm biệt làng quê bên dòng sông tuyến, nhưng gần 10 năm sau đến ngày giải phóng miền Nam, họ mới được trở về quê hương, đoàn tụ gia đình, làm ăn kinh tế. Có những người lưu lạc vào Nam, bận kế mưu sinh, hơn nửa đời người mới có dịp về thăm quê, ngắm cầu Hiền Lương bên dòng Bến Hải thơ mộng... Ngày nay, Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải được nhiều khách du lịch lựa chọn khi đặt chân đến Quảng Trị. Ở Bình Thuận, các di tích văn hóa lịch sử cần được gắn kết với nhau, tạo thành tour thu hút du khách; tựa như tour DMZ, sản phẩm độc đáo của Quảng Trị.

GHI CHÉP: THÁI KHOA


(0) Bình luận
Bài liên quan

Khai mạc Giải vô địch trẻ Kurash quốc gia lần I năm 2024
BTO-Sáng 7/6, Giải vô địch trẻ Kurash quốc gia lần I năm 2024 đã diễn ra tại Nhà thi đấu tổng hợp tỉnh. Dự khai mạc có ông Bùi Thế Nhân - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận; Nguyễn Hữu An – Phụ trách Bộ môn Kurash – Cục Thể dục thể thao.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đến với Hiền Lương - Bến Hải