Kinh doanh xuất khẩu thanh long cần nguồn vốn lưu động. |
Có một thực tế, không ít DN nhỏ và vừa chưa hội đủ các yếu tố do ngân hàng quy định, nên việc tiếp cận nguồn vốn tốn nhiều thời gian, kể cả không đủ điều kiện vay vốn. Ngay cả khi DN có tài sản thế chấp, mức vay cũng hạn chế. Bà Đặng Thị Lynh Trang, Chủ nhiệm Câu lạc bộ nữ doanh nhân tỉnh dẫn chứng: “CLB có 46 thành viên đa phần kinh doanh thanh long, hoạt động không có nợ xấu, khi thế chấp tài sản vay vốn ngân hàng chỉ ở mức 70% giá trị tài sản; nếu được vay trên mức quy định này thì các thành viên có vốn lưu động kinh doanh tốt hơn. Chúng tôi có nhu cầu vay mới cũng phải thanh toán hết nợ cũ, điều kiện bó buộc, hạn chế kinh doanh trong lĩnh vực cần nhiều vốn lưu động như thanh long”.
Ông Huỳnh Văn Nghi - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Bình Thuận trao đổi thêm: Khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mở ra hướng đi xuất khẩu hàng hóa nhiều DN, kể cả DN nhỏ và vừa trong nước. Tuy nhiên, thực trạng lực lượng này ở tỉnh ta tiềm lực còn quá nhỏ bé; không ít cơ sở chỉ là “siêu nhỏ”, khó vươn ra “biển lớn” được; trong khi hầu hết các đơn vị thiên về sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực đều bị ảnh hưởng tình hình kinh tế khó khăn mấy năm qua, chỉ dừng lại hoạt động cầm chừng. Chúng tôi kiến nghị Quỹ tín dụng tỉnh dành cho DN nhỏ và vừa hỗ trợ ưu tiên hơn các thành viên hiệp hội; cũng như giải ngân các gói tín dụng hỗ trợ từ Trung ương cho khối này. Cùng với đó, ngân hàng có cơ chế thông thoáng để nhiều đơn vị tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong tỉnh có chính sách ưu tiên hơn với DN nhỏ và vừa, để chủ cơ sở có điều kiện tiếp cận đất đai, thuê mặt bằng mở rộng sản xuất. Mở ra hướng đi như thế mới tạo đà cho lực lượng này phát triển.
Thụy Khanh