Nông dân đang “đau đầu” vì sâu bệnh gây hại thanh long. |
“Thất thần” nhìn sâu bệnh hại thanh long
Sau cơn lũ ngày 23/10 vừa qua, chúng tôi có mặt tại một số vườn thanh long của xã Hàm Mỹ, Mương Mán (Hàm Thuận Nam). Ngay sau khi nước rút, hình ảnh dễ dàng nhận thấy là vô số ốc sên nhỏ bám vào cành, quả để ăn thanh long, thậm chí một số lượng ốc lớn còn bám chặt vào tường nhà bị ngập của gia đình anh Lê Trung Nghĩa (thôn Phú Phong, xã Hàm Mỹ). Đám thanh long với hơn 400 ha của gia đình anh đang có dấu hiệu của bệnh đốm nâu gây hại, nay lại chồng thêm vô số những vết “nham nhở” do ốc sên phá. Anh Nghĩa cho biết: Loại ốc này có đã khá lâu, nhưng năm nay xuất hiện nhiều. Chúng thường ăn thanh long vào ban đêm nên rất khó phát hiện, ốc thường ăn hết cả tàu non, trái non nên được coi là nguy hiểm hơn cả bệnh đốm nâu. “Thất thần” nhìn đám thanh long, anh Nghĩa cho hay: “Giải pháp duy nhất bà con có thể làm hiện nay là phun thuốc trừ ốc. Tuy nhiên, tình hình mưa lũ, ngập lụt vừa qua khiến việc phun xịt rất khó thực hiện, hầu hết cây thanh long đã bị “yếu” do ngập úng trong nước nhiều giờ, trôi phân, thuốc và cần thời gian để phục hồi”.
Còn tại xã Mương Mán, nhiều diện tích thanh long đang bị cùng lúc đốm nâu và ốc sên phá hoại khiến bà con rất lo lắng. Ông Nguyễn Anh Phong - Chủ tịch UBND xã Mương Mán cho biết, cùng với khắc phục, chăm sóc thanh long sau mưa lũ, bà con đang tự mua thuốc diệt ốc để phun xịt nhưng hiệu quả chưa đạt như mong muốn.
Riêng tại huyện Hàm Thuận Bắc, ông Nguyễn Tánh (xã Hàm Liêm) với trên 1.000 trụ thanh long cũng tỏ ra lo lắng vì sự hoành hành của sâu bệnh trên thanh long. Ông chia sẻ, hiện thanh long của gia đình và một số hộ xung quanh đã được một số công ty thuốc bảo vệ thực vật hỗ trợ thuốc phun xịt, hướng dẫn cách phục hồi cây trồng, diệt trừ sâu bệnh hại trên thanh long nên đã yên tâm phần nào.
Giải pháp phòng trừ
Về phía đơn vị chuyên môn, ông Trần Minh Tân - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, hiện diện tích thanh long nhiễm bệnh đốm nâu toàn tỉnh là 4.719 ha, chủ yếu nhiễm nhẹ và có 33 ha nhiễm nặng. Bệnh phát sinh gây hại tại các huyện Hàm Thuận Nam 1.681 ha, Hàm Thuận Bắc 1.052 ha, Bắc Bình 1.646 ha, La Gi 217 ha, Hàm Tân 15 ha…
Ngoài ra, bệnh thối rễ, teo tóp cành với diện tích nhiễm 385 ha, trong đó có 375 ha nhiễm nhẹ và 10 ha nhiễm trung bình, tăng 101,5 ha so với tuần trước đó. Riêng ốc sên phát sinh gây hại trên các vườn thanh long với diện tích nhiễm 945 ha, tăng 383 ha so với cùng kỳ năm 2016, phân bố tại các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Hàm Tân, thị xã La Gi và TP. Phan Thiết…
Về biện pháp xử lý, theo lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và BVTV: Đối với bệnh đốm nâu trên cây thanh long, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các huyện cần tăng cường theo dõi sát diễn biến bệnh trên vườn; tuyên truyền, phổ biến “Quy trình kỹ thuật quản lý bệnh đốm nâu hại thanh long” cho người dân biết và áp dụng. Với bệnh thối rễ, teo tóp cành: xử lý nguồn bệnh bằng thuốc BVTV (thuốc trừ nấm + thuốc trừ tuyến trùng) và phục hồi bộ rễ bằng các thuốc kích thích sinh trưởng hoặc các loại phân bón có khả năng kích thích ra rễ. Đối với những cây bị nặng có thể phun thêm phân bón qua lá để hồi phục. Sau khi cây đã phục hồi rễ có thể bón thêm các phân có chứa hàm lượng lân cao như: Super lân, lân nung chảy, lân phosphorite... hoặc bón thêm phân hữu cơ khoáng hay hữu cơ vi sinh, tránh bón phân NPK, vôi với hàm lượng cao dễ gây tổn thương cho rễ mới hồi phục. Với bệnh thán thư cành, quả thanh long: cần tiến hành vệ sinh vườn, tỉa cành cho cây thông thoáng và sử dụng các loại thuốc đặc trị để phun phòng bệnh khi điều kiện thời tiết thuận lợi cho bệnh phát triển (mưa nhiều, ẩm độ cao, có sương mù...).
Đặc biệt, để trị ốc sên gây hại thanh long, nhà vườn cần dọn sạch cỏ gốc, phát quang bờ ranh và sử dụng thuốc gốc Metaldehyde Osbuvang 5GR, Toxbait 9AB, Yellow - K 12GB... rải tại những nơi ốc hay trú ẩn như: đầu trụ, hàng ranh... Nên rải vào thời gian buổi chiều mát gần tối hoặc có thể sử dụng bã diệt ốc bằng cách: trộn thuốc trừ ốc trên với hoa thanh long sau khi rút râu (hoặc trái thanh long hư cắt mỏng, cám ướt) để bỏ đầu trụ.
Kiều Hằng