Ðiểm nóng
Tính đến sáng 29/7, Bình Thuận ghi nhận 443 ca nhiễm Covid-19. Trong đó, tình hình dịch bệnh tại thị xã La Gi diễn biến phức tạp với 370 ca nhiễm Covid-19, chiếm 83,5% trong tổng số ca nhiễm toàn tỉnh. Trung bình, mỗi ngày có vài chục ca được phát hiện trong khu phong tỏa, cách ly, cộng đồng tại thị xã La Gi. Tính từ ngày 12/7/2021 đến nay, toàn thị xã La Gi phong tỏa tạm thời 17 khu vực và 114 địa điểm có nguy cơ lây lan cao trên địa bàn. Trên biểu đồ Covid-19 tại thị xã, một màu đỏ lan rộng nhiều xã, phường với số ca nhiễm trên được xem là “điểm nóng” trong tỉnh. Đồng thời, 11 khu cách ly tập trung được kích hoạt, tiếp nhận các trường hợp cách ly. Sở Y tế Bình Thuận quyết định thành lập Cơ sở điều trị Covid-19 tại Trung đoàn 812, cơ sở tại Trường THPT Nguyễn Huệ sẽ được thành lập trong vài ngày tới. Nơi này có đầy đủ trang thiết bị, thuốc men, vật tư, phương tiện phòng hộ thiết yếu phục vụ bệnh nhân không có triệu chứng và triệu chứng nhẹ. Công suất tại mỗi cơ sở là 200 giường bệnh.
Tất cả các ca nhiễm Covid-19 đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa khu vực La Gi và Phòng khám đa khoa khu vực Tân Hải. Tuy nhiên, 9 bệnh nhân diễn biến nặng, phải thở oxy qua mask (mặt nạ oxy).
Bác sĩ Lê Văn Hồng - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Nhìn chung số ca mắc tại La Gi tăng - giảm theo biểu đồ hình Sin. Đáng chú ý, trong 3 ngày gần đây có chiều hướng giảm dần. Số ca bệnh xuất hiện nhiều tại khu phong tỏa thuộc phường Phước Lộc, Phước Hội, Tân An và Bình Tân. Trong đó, phường Bình Tân có số ca mắc nhiều nhất của thị xã, chiếm 50% tổng số ca mắc toàn thị xã.
Cùng nhau “chia lửa”
Để xử lý các tình huống khẩn cấp liên tiếp phát hiện hàng loạt ca nhiễm mới, Sở Y tế khẩn cấp chỉ đạo tăng cường các đội phản ứng nhanh từ các huyện lân cận cho La Gi để giám sát, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc trong cộng đồng. Cụ thể, 2 đội phản ứng nhanh của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, các đội còn lại thuộc Bệnh viện đa khoa khu vực phía Nam Bình Thuận, Trung tâm Y tế Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam và Tánh Linh. Thêm vào đó, là lực lượng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh hỗ trợ phun thuốc khử khuẩn, lấy mẫu xét nghiệm... Các đội nhanh chóng lấy hàng ngàn mẫu thực hiện xét nghiệm mỗi ngày. Sở huy động 2 máy thở chức năng cao từ Bệnh viện Y học Cổ truyền - Phục hồi chức năng và 1 máy X-quang di động từ Bệnh viện Phổi để tăng cường cho Bệnh viện đa khoa khu vực La Gi. Không chỉ vậy, lực lượng y, bác sĩ từ các bệnh viện trong tỉnh cũng được kêu gọi về La Gi để điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Theo đó, 26 y, bác sĩ của Bệnh viện đa khoa khu vực phía Nam Bình Thuận xung phong hỗ trợ chống dịch cùng các đồng nghiệp ở La Gi.
“Trong sáng 24/7, 4 thầy cô cùng 26 sinh viên tình nguyện tham gia hỗ trợ chống dịch như điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm tại cộng đồng, khu cách ly, khu phong tỏa… Trải qua 6 ngày làm việc, các sinh viên giữ vững tinh thần, nỗ lực làm việc và tuân thủ các quy định”, bác sĩ Đỗ Huy Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Bình Thuận chia sẻ.
Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận tổ chức lễ ra quân hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 tại La Gi.
Theo bác sĩ Vũ Cao Thiện - Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Bình Thuận, là bệnh viện tuyến cuối của tỉnh đang khó khăn về nhân lực, nhưng đơn vị vẫn chi viện cho Bệnh viện đa khoa khu vực La Gi. Hiện nay, đơn vị cố gắng sắp xếp để đảm bảo các mục tiêu vừa phòng dịch, vừa điều trị bệnh nhân Covid-19 và các hoạt động khám chữa bệnh, cấp cứu bệnh nhân hàng ngày. Chúng tôi đang chuẩn bị 6 bác sĩ các khoa nội, nhi, nhiễm và 30 điều dưỡng, dược sĩ, hộ lý để sẵn sàng lên đường hỗ trợ La Gi. Đội này sẽ phục vụ cơ sở điều trị Covid-19 tại Trường THPT Nguyễn Huệ. Cách đây 3 ngày, bệnh viện cử 1 bác sĩ hồi sức tích cực và 2 điều dưỡng hỗ trợ thở máy vào hỗ trợ Bệnh viện La Gi.
Quyết tâm khống chế Covid-19
Nếu như các y, bác sĩ bên trong khu điều trị của Bệnh viện La Gi ngày đêm chăm sóc từng bệnh nhân vượt qua căn bệnh Covid-19 này, thì y, bác sĩ, kỹ thuật viên bên ngoài cộng đồng không ngại sớm hôm nắng mưa đi từng ngõ nhỏ đến từng nhà điều tra, giám sát, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp liên quan ca mắc Covid-19.
Chẳng hạn, Đội xử lý môi trường của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đeo trên vai bình thuốc khử khuẩn nặng hơn 30 kg, phun 15 - 17 điểm mỗi ngày, đi khắp những con hẻm sâu dù trời mưa hay nắng. Sau 20 ngày tăng cường phun thuốc khử khuẩn tại huyện Tuy Phong, anh Ngô Thái Dương - Phó trưởng khoa Ký sinh trùng - Côn trùng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) lại tiếp tục lên đường vào La Gi, cùng đồng đội phun thuốc khử khuẩn môi trường. Anh Dương cho biết: Mỗi ngày anh và đồng đội thức dậy từ 5 giờ sáng chuẩn bị máy móc, pha thuốc sẵn vào từng chai. Sau ăn sáng, các anh em đeo máy lên vai chạy xe vào các nhà F0, nằm trong con hẻm sâu hun hút phun thuốc. Các nhà lân cận lo lắng, nhờ phun, anh em cũng làm để người dân an tâm. Cứ thế, công việc cuốn theo mãi 1 - 2 giờ chiều mới ăn cơm trưa và 8 - 9 giờ tối mới ăn cơm. Sau ăn cơm tối, anh em phải làm báo cáo trong ngày. Dẫu trời nắng hay mưa, anh em đều ướt dầm dề cả ngày. Hơn 1 tháng anh Dương chưa về nhà thăm gia đình, chúng tôi cố gắng cùng đồng nghiệp kiểm soát dịch bệnh sớm để cuộc sống người dân La Gi trở lại bình thường và anh em chúng tôi được về thăm gia đình.
Bạn sinh viên Mai Võ Ngọc Trang - Trường Cao đẳng Y tế Bình Thuận thổ lộ: Khi nhà trường thông báo tham gia tình nguyện chống dịch ở La Gi, em xung phong đăng ký. Trước khi lên đường xuất quân, em và các bạn đều thực hành mặc, cởi đồ bảo hộ đúng cách, cách lấy mẫu xét nghiệm. Dẫu môi trường học khác với môi trường thực tế, nhưng sau 1 ngày, em tiếp cận nhanh chóng và theo kịp với nguồn làm việc của thầy cô, anh chị. Qua đợt tham gia chống dịch này, ngoài kiến thức sách vở, em còn có thêm trải nghiệm thực tế và được cống hiến cho quê hương Bình Thuận. Khi nào hết dịch thì em và các bạn mới về nhà.
Bác sĩ Lê Văn Hồng - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Với quyết tâm khống chế dịch càng sớm càng tốt, chúng tôi đề ra mục tiêu ngày 4/8/2021 sẽ truy vết tất cả F0 ra khỏi cộng đồng”.
Trang Minh