Theo dõi trên

Đồng quản lý – hướng đi hiệu quả để bảo vệ nguồn lợi thủy sản

12/12/2017, 10:07

BT- Vừa qua, tại thành phố Phan Thiết, Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Chương trình tài trợ các dự án nhỏ, Quỹ môi trường toàn cầu, Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP/GEF SGP) tại Việt Nam tổ chức hội nghị quốc gia về đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tham dự hội nghị có ông Vũ Văn Tám – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng đại diện lãnh đạo chính quyền và ngành thủy sản, ngư dân các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau. Tại Bình Thuận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Nam đã dự hội nghị.

Theo Tổng cục Thủy sản, bảo vệ nguồn lợi thủy sản là công việc vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học biển và các vùng nước nội địa. Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản là công việc sống còn đối với sinh kế, nguồn sống của hàng triệu hộ gia đình ngư dân, với sự hiện diện trên biển của họ là bằng chứng khẳng định chủ quyền quốc gia, góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng biển đảo. Tuy nhiên với thực trạng khai thác hiện nay, nguồn lợi ở biển Việt Nam đang suy kiệt nhanh. Quản lý nguồn lợi thủy sản nếu chỉ dựa vào các nguồn lực nhà nước không thể thành công. Đổi mới phương thức quản lý trở thành yêu cầu bức thiết và đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi là một hướng đi đúng đắn và hiệu quả nhất. Hội nghị nhằm mục tiêu bổ sung cơ sở thực tiễn góp phần hoàn thiện khung pháp lý thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản  ở Việt Nam. Đồng thời thúc đẩy hoạt động điều phối và cam kết hỗ trợ thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại Bình Thuận và huy động nguồn lực từ các nhà tài trợ nhằm duy trì sinh kế bền vững cho ngư dân địa phương và bảo tồn hệ sinh thái ven biển.

Theo đó, Luật Thủy sản vừa được Quốc hội thông qua có quy định về đồng quản lý là một bước ngoặt cho ngành thủy sản, là một bước tiến về lập pháp, thể chế quản lý dựa vào dân. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để người dân tiếp cận được các nguồn lợi một cách chính thức nhất và vai trò của họ đã được nhìn nhận đúng mức và sẽ được thúc đẩy khi luật chính thức có hiệu lực.

Luật Thủy sản quy định, đồng quản lý là phương thức quản lý, trong đó Nhà nước chia sẻ quyền hạn, trách nhiệm với tổ chức cộng đồng tham gia quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tổ chức cộng đồng tham gia đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản là tổ chức do các thành viên tự nguyện tham gia, cùng nhau quản lý chia sẻ lợi ích, bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại khu vực địa lý xác định, có tư cách pháp nhân hoặc không có tư cách pháp nhân, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận và giao quyền tham gia đồng quản lý.

Tại hội nghị, đại diện các địa phương, đơn vị đã chia sẻ những khó khăn cũng như kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện đồng quản lý thủy sản. Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ: Đồng quản lý nghề cá ở Huế được xuất phát từ việc tìm hiểu và phát huy tinh hoa truyền thống quản lý nghề cá cơ bản dựa trên các vạn chài trong quá khứ. Muốn quản lý dựa vào dân thì trước tiên phải trao quyền cho cộng đồng ngư dân. Các chi hội nghề cá cơ sở phát huy tính tự quản trên quyền đánh cá được cấp để từng bước tổ chức, huy động sức người, sức của cùng nhau quản lý, phối hợp với lực lượng Nhà nước. Một số đại biểu cho rằng, hai yếu tố quyết định thành công của đồng quản lý là quyền khai thác, quyền của người dân được quy định trong luật và hệ thống cán bộ hỗ trợ. Ngư dân cùng sử dụng nguồn lợi thủy sản cho sinh kế và thức ăn của họ nên rất có trách nhiệm trong quản lý sử dụng các nguồn lợi thủy sản và hợp tác với nhau để khai thác bền vững. Để thực hiện quản lý nguồn lợi bằng chính bản thân họ, trước tiên cần thành lập nhóm khai thác dựa trên hiểu biết lẫn nhau nhưng mỗi ngư dân thì khó có thể thực hiện. Sự hỗ trợ của chính phủ nhằm thiết lập nhóm là không thể thiếu.

Tại Bình Thuận, mô hình thí điểm đồng quản lý nguồn lợi thủy sản đã được triển khai tại vùng  ven biển xã Phước Thể, huyện Tuy Phong và xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam. Mô hình bước đầu đã huy động được cộng đồng ngư dân bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại địa phương. Qua đó đã giảm bớt phần nào trách nhiệm cho cơ quan quản lý chuyên ngành trong công tác bảo vệ, bảo tồn, phát triển nguồn lợi thủy sản. Trước đó, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đi khảo sát mô hình thí điểm đồng quản lý sò lông tại xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam. Tại đây, nhiều đại biểu các địa phương bạn đã vô cùng thích thú với mô hình quản lý cộng đồng này, đồng thời có những tham vấn trực tiếp với các ngư dân trong quá trình thực hiện để về ứng dụng ở địa phương.

Q.Nhân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đồng quản lý – hướng đi hiệu quả để bảo vệ nguồn lợi thủy sản