Theo dõi trên

Đồng quản lý – hướng đi mới

18/12/2017, 08:38

BT- Câu chuyện “đồng quản lý” hiện nay đang trở thành chuyện bàn luận trong ngư dân. Không chỉ ngư dân Bình Thuận mà đã lan nhanh trong cộng đồng ngư dân khắp các tỉnh, thành từ Quảng Ninh đến Cà Mau.

 Bình Thuận vừa được chọn là nơi diễn ra hội nghị quốc gia về đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Hội nghị do Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp Chương trình tài trợ các dự án nhỏ, Quỹ môi trường toàn cầu, Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP/GEF SGP) tại Việt Nam thực hiện.

Theo Tổng cục Thủy sản, “đồng quản lý” là mô hình mới, là nhân dân cùng làm, cùng hưởng lợi, Nhà nước đồng hành trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đây không đơn thuần là công việc mưu sinh nữa mà vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học biển và các vùng nước nội địa. Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản là công việc sống còn đối với sinh kế, nguồn sống của hàng triệu gia đình ngư dân, đồng thời với sự hiện diện của ngư dân trên biển để khẳng định chủ quyền quốc gia, góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng biển đảo.

Với thực trạng khai thác hiện nay, nguồn lợi thủy sản biển Việt Nam đang suy kiệt nhanh. Quản lý nguồn lợi thủy sản nếu chỉ dựa vào các nguồn lực của Nhà nước thì không thể thành công. Đổi mới phương thức quản lý trở thành yêu cầu bức thiết và đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi là một hướng đi đúng đắn và hiệu quả nhất. Bình Thuận sau dự án đồng quản lý điệp quạt ở Phước Thể (Tuy Phong) và nhân rộng hiện nay là dự án sò lông ở Thuận Quý đã có những thành công nhất định.

Chính kết quả đó đã chứng minh rằng, thực tiễn là điều quan trọng nhất, mà ở đó chính ngư dân là những người tiên phong và lên tiếng, khi nguồn sống bị đặt trong mức báo động, góp phần hoàn thiện khung pháp lý thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở Việt Nam mà lâu nay không được quan tâm. Đồng thời, sự hình thành của mô hình cũng thúc đẩy hoạt động điều phối và cam kết hỗ trợ thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại Bình Thuận và huy động nguồn lực từ các nhà tài trợ, nhằm duy trì sinh kế bền vững cho ngư dân địa phương và bảo tồn hệ sinh thái ven biển.

Muốn quản lý dựa vào dân thì trước tiên phải trao quyền cho cộng đồng ngư dân. Các chi hội nghề cá cơ sở phát huy tính tự quản với quyền đánh bắt hải sản được giao để từng bước tổ chức, huy động sức người, sức của cùng nhau quản lý, phối hợp với lực lượng nhà nước. Hai yếu tố quyết định thành công của đồng quản lý là quyền khai thác, quyền của người dân được quy định trong luật và hệ thống cán bộ hỗ trợ. Ngư dân cùng sử dụng nguồn lợi thủy sản cho sinh kế nên rất có trách nhiệm trong quản lý sử dụng các nguồn lợi thủy sản và hợp tác với nhau để khai thác bền vững. Để thực hiện quản lý nguồn lợi, trước tiên cần thành lập nhóm khai thác dựa trên sự hiểu biết lẫn nhau nhưng chỉ ngư dân thì khó có thể thực hiện, nên cần sự hỗ trợ của Nhà nước.

Quốc hội vừa thông qua Luật Thủy sản có quy định về đồng quản lý là một bước ngoặt cho ngành thủy sản, là một bước tiến về lập pháp, thể chế quản lý dựa vào dân. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để người dân tiếp cận các nguồn lợi một cách chính thức, vai trò của họ đã được nhìn nhận đúng mức và sẽ được thúc đẩy khi luật chính thức có hiệu lực.

Q.Nhân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đồng quản lý – hướng đi mới