BT- Sau khi cao tốc Bắc - Nam hoàn thành, Bình Thuận sẽ thu hút mạnh các nhà đầu tư nhờ giao thông được kết nối…
Phó Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An động viên người dân tái định cư ở xã Phong Phú (Tuy Phong). |
Gấp rút bàn giao mặt bằng
Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị tập trung giải phóng mặt bằng góp phần quan trọng để đẩy nhanh tiến độ dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông qua địa bàn tỉnh. Cao tốc hoàn thành sẽ kết nối với cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, sân bay Long Thành và các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam. Dự án không chỉ tháo gỡ “nút thắt” về giao thông đối ngoại, mà còn tạo “đòn bẩy” cho tỉnh phát triển kinh tế - xã hội nhất là cơ hội lấp đầy các khu công nghiệp (KCN) toàn tỉnh.
Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng bồi thường, hỗ trợ tái định cư tại 5 huyện có đường cao tốc đi qua Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam và Hàm Tân được đẩy nhanh tiến độ. Ông Nguyễn Hữu Trung - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thông tin: Về xét tính pháp lý cấp xã, cấp huyện cơ bản hoàn thành. Trong tổng nguồn vốn bố trí 1.144 tỷ đồng, đến nay 5 huyện đã giải ngân được 334,7 tỷ đồng bồi thường cho dân. Toàn tỉnh xây dựng 5 khu tái định cư (TĐC), gồm: Khu TĐC thôn Tuy Tịnh, xã Phong Phú (Tuy Phong); Khu TĐC thôn Hải Thủy, xã Hải Ninh (Bắc Bình); Khu TĐC thị trấn Ma Lâm (Hàm Thuận Bắc); Khu TĐC Mương Mán, Khu TĐC Tân Lập (Hàm Thuận Nam). “Đã bước vào giai đoạn “nước rút”, cả hệ thống chính trị phải xem đây là nhiệm vụ trọng tâm có sự lãnh đạo, chỉ huy phối hợp đồng bộ làm theo phương châm cuốn chiếu, tuân thủ pháp luật nhất là làm tốt khâu tuyên truyền vận động nhân dân”, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai nhắc nhở.
Mở toang “cánh cửa” thu hút đầu tư
Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông qua địa bàn tỉnh là trục giao thông đối ngoại rất quan trọng thúc đẩy sự phát triển của tỉnh nhà sau khi dự án hoàn thành. Tại những địa phương có dự án đi qua đây là cơ hội “cất cánh” phát triển kinh tế - xã hội đặc biệt huyện có thế mạnh về phát triển công nghiệp. Đường cao tốc đi qua, giao thương thuận lợi mở ra cơ hội thu hút các nhà đầu tư mới năng động, tiềm lực.
Huyện Tuy Phong “cửa ngõ” phía bắc của tỉnh thời gian qua đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển công nghiệp năng lượng nhờ tiềm năng rất lớn về năng lượng tái tạo, nhất là điện gió và điện mặt trời. Bờ biển dài thuận lợi cho việc phát triển điện gió, ước tính mỗi năm có thể khai thác được hàng ngàn MW điện. Đến nay, huyện Tuy Phong đã thu hút được 27 dự án đăng ký đầu tư (23 dự án điện mặt trời, 4 dự án điện gió); trong đó có 11/27 dự án đã đi vào hoạt động. Nếu khai thác hết tiềm năng điện năng lượng mặt trời, điện gió chắc chắn rằng Tuy Phong trong tương lai sẽ là một trung tâm khai thác điện năng “sạch” rất lớn cho đất nước. Trái ngược với sự phát triển sôi động của công nghiệp năng lượng, Khu công nghiệp (KCN) Tuy Phong tiến độ còn chậm, hiện chưa thu hút được nhà đầu tư thứ cấp nào. Tuy Phong đã có Cảng quốc tế Vĩnh Tân – đây là cảng nước sâu được đầu tư hạ tầng hiện đại, đồng bộ, công suất khai thác của Cảng quốc tế Vĩnh Tân lên tới 8 triệu tấn/năm tháo gỡ “điểm nghẽn” về giao thông đối ngoại của tỉnh, có vị trí thuận lợi, dễ dàng kết nối các khu công nghiệp tại tỉnh, nâng cao năng lực vận tải, giảm chi phí logistics, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Bình Thuận và vùng Nam Trung bộ, Tây nguyên. Việc hình thành thêm tuyến cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn huyện sẽ thuận lợi hơn cho việc giao thương hàng hóa, giảm thiểu thời gian đi lại tạo thêm cơ hội để thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là khu công nghiệp Nam Tuy Phong.
Nhìn ra toàn tỉnh, thống kê của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho biết, toàn tỉnh hiện có 6 khu công nghiệp (KCN) đã và đang xây dựng hạ tầng kỹ thuật với tổng diện tích 1.093,7 ha, thu hút 75 dự án; trong đó có 24 dự án FDI với tổng vốn đầu tư trên 2.980 tỷ đồng và 172,3 triệu USD. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ lấp đầy của 6 KCN còn khiêm tốn chỉ đạt 23,61% diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê. Nguyên nhân do hạ tầng giao thông liên vùng tại Bình Thuận còn khó khăn đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công, hoàn thiện kết cấu hạ tầng các KCN. Ngoài KCN Phan Thiết giai đoạn 1, tỷ lệ đã lấp đầy diện tích đất cho thuê với 38 dự án thứ cấp trong và ngoài nước với tổng vốn đầu tư 605 tỷ đồng và 76,5 triệu USD; KCN Phan Thiết giai đoạn 2, tỷ lệ lấp đầy 70%. Còn lại các khu công nghiệp khác đã cơ bản hoàn thành hệ thống hạ tầng như KCN Hàm Kiệm I, II; KCN Sông Bình tỷ lệ lấp đầy ở mức dưới 30%.
Nếu trước đây, các nhà đầu tư tìm đến Bình Thuận đều bày tỏ e ngại giao thông đi lại khó khăn, chưa thuận tiện thì khi dự án cao tốc Bắc - Nam hoàn thành, giao thông được kết nối là yếu tố quan trọng thúc đẩy thu hút đầu tư, kể cả những nhà đầu tư nước ngoài tìm đến Bình Thuận. Các nhà đầu tư đến Bình Thuận không chỉ là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo – năng lượng tái tạo mà còn ở lĩnh vực trụ cột của nền kinh tế tỉnh là du lịch dịch vụ vui chơi cao cấp và nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, cao tốc hoàn thành đi qua địa bàn các huyện có nút giao liên thông giữa cao tốc với các tuyến đường trọng điểm của tỉnh như quốc lộ 1A, quốc lộ 28… góp phần phân lưu, giảm tải cho quốc lộ 1A, đảm bảo giao thông thông suốt. Từ đó, việc đi lại của nhân dân và vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp sẽ rất thuận lợi. Kéo theo đó là nhiều dịch vụ cũng phát triển thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương.
Xây dựng cao tốc góp phần phát triển thông thương, nâng cao năng lực thông hành qua địa bàn. Từ đó, nâng cao đời sống người dân, để người dân được hưởng những lợi ích mà công trình mang lại. Kỳ vọng, trong tương lai không xa cùng với cao tốc, dự án sân bay Phan Thiết hoàn thành, các tuyến giao thông đối ngoại với các vùng lân cận đang được xúc tiến đầu tư, Bình Thuận sẽ thêm sức hút các nhà đầu tư tìm đến vì đây là mảnh đất màu mỡ và phát triển bền vững.
Mới đây, tại sự kiện Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Thuận năm 2019, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai trao quyết định đầu tư cho 11 dự án, với tổng vốn đầu tư trên 23.152 tỷ đồng và ký thỏa thuận ghi nhớ đăng ký đầu tư cho 14 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 19 tỷ USD và 30.696 tỷ đồng Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. |
Thanh Duyên