Bài 1: Khơi dậy sức dân
BT- “Khó vạn lần dân liệu cũng xong...” dân gian nói thế. Lãnh đạo huyện Hàm Thuận Bắc hiểu sâu sắc điều này khi đứng trước vấn đề nan giải : Làm gì để thu hồi đất nhanh gọn; thu hồi như thế nào để dân vui, Nhà nước cũng vui…!?
Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra cao tốc Bắc - Nam qua huyện Hàm Thuận Bắc. |
Đảng viên “đầu tàu”
Chúng tôi về Thuận Hòa, 1 trong 8 xã, thị trấn của huyện Hàm Thuận Bắc có dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn (2017 - 2020) đi qua. Theo đó, Thuận Hoà có 2,6 km trong số 32,7 km đi qua huyện. Có 52 hộ trong diện thu hồi đất, đền bù giải tỏa, trong đó 6 hộ có đất đai, nhà cửa. Anh Lê Thanh Dũng, cán bộ địa chính xã, cho biết: “Vấn đề lo nhất là giá cả đền bù. Đảng ủy xã tổ chức nhiều cuộc họp, xác định: Đảng viên phải phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trong giải thích, tuyên truyền thế nào cho dân hiểu.
Ở những thôn, có nhiều hộ dân bị thu hồi đất thì chi bộ thôn, gần như phải sát dân. Dân thắc mắc điều gì, đảng viên phải giải thích một cách cụ thể, rõ ràng để hiểu. Muốn vậy đảng viên ở Thuận Hòa đều phải hiểu lợi ích của đường cao tốc như thế nào khi dự án đi qua địa phương mình. Anh Nguyễn Văn Thuận ở thôn Dân Thuận, một trong những hộ có đất thu hồi, nói trong sự vui vẻ: “Hồi xưa giờ tôi chỉ thấy cao tốc trong TP. Hồ Chí Minh nhưng giờ đây khi hiểu hết về lợi ích của dự án thì tôi trông chờ lắm. Tôi cũng như đa số nông dân đồng tình hết”.
Dân biết, dân bàn, dân giám sát…
Từ cánh đồng lúa, nơi một vài nông dân ống quần xắn lên cao quá gối, chân còn bết bùn liền ngơi tay khi Phó Chủ tịch Mặt trận TQVN xã Thuận Hòa Nguyễn Văn Chung đến chân ruộng chuyện trò. Một nông dân cất tiếng hỏi: “Anh à, tôi chưa hình dung ra số diện tích còn lại sản xuất bà con vận chuyển lúa, hoa màu bằng cách nào hay phải đi đường vòng xa xôi?”. Câu hỏi bỏ lửng, một người khác lại chen vào: “Nhà tôi thì đường ống dẫn tuyến nước từ kênh về tưới ruộng dính dự án, Nhà nước hỗ trợ tiền ống. Tôi xin tận dụng lại đường mương nước vì công đào rất xa, tốn kém…”. Ông Chung dáng người nhỏ nhắn, cởi mở đáp lời: “Bà con nghe tôi nói, Nhà nước không bít đường dân sẽ làm đường gom dân sinh, hoặc làm hầm chui, cầu vượt để bà con an tâm. Còn anh Tư, Nhà nước đền bù tiền ống là để mua đường ống mới, tính cả tiền công lắp đặt trong đó mình không bị thiệt anh à”.
“Xây dựng đường cao tốc là thực hiện ước mơ cho dân, cho nền kinh tế tỉnh nhà, phải phát huy quy chế dân chủ cơ sở: Dân hiểu, dân biết, dân bàn, dân giám sát, sẽ tạo tín hiệu tốt trong giải phóng mặt bằng. Từ đó, làm cơ sở phát động phong trào thi đua để có cách nhìn mới về đền bù, giải tỏa” - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai. |
Nói rồi, ông Dũng quay sang tôi mỉm cười: “Làm công tác vận động ví như “làm dâu trăm họ”…, mà mình phải thực tế nắm bắt tâm tư nguyện vọng của dân thì họ mới tin, ủng hộ”, nói rồi ông Chung chậm rãi kể: “Không riêng gì bây giờ, kể cả khi thực hiện đền bù giải tỏa kênh 812 trước đây yêu cầu cấp bách bàn giao mặt bằng thi công đúng trong thời điểm hạn hán. Lúc đó, dù chưa có kế hoạch gì, cũng chưa đo vẽ, giá cả bồi thường vậy mà phải vận động nhân dân bàn giao đất. Biết là khó, nhưng tôi xuống từng hộ 1 lần rồi 2, 3 lần vận động… “mưa dầm thấm lâu” bà con hiểu lợi ích công trình liền giao mặt bằng”. Trở lại dự án cao tốc Bắc - Nam, dù hiểu tầm quan trọng dự án, nhưng khi vận động không tránh trường hợp có ý kiến ra vào. Kinh nghiệm dày dặn, ông Dũng để ý đây là những người họ hiểu biết về chủ trương, nếu giúp họ thông suốt sẽ là người ủng hộ cao nhất. Chẳng hạn trường hợp ông Hai Thuyên, Chín Trung… đều là người lớn tuổi, có uy tín trong thôn nên sau khi đồng thuận họ vẫn hay tâm tình thêm với bà con: Nhà nước có chủ trương đền bù cho mình số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí cấp đất tái định cư nếu hộ dân nào bị ảnh hưởng toàn bộ diện tích đất thì tại sao mình lại không hợp tác, mà đường cao tốc đi qua cũng để cho bộ mặt quê hương khang trang, kinh tế phát triển.
“Tôi thì chỉ còn nặng lòng chuyện chi trả di dời mồ mả của 6 hộ. Số hộ này có mồ mả ở xã từ xa xưa và lại là hộ nghèo. Nay họ di dời mồ mả về xã Hàm Trí ngoài tiền công làm mộ đã cao, để vô nghĩa trang xã phải đóng 200.000 đồng tiền đất/mộ nhưng giá đền bù họ còn thấp nên kiến nghị xem xét”, nghe họ gửi gắm Tổ tuyên truyền của xã ai cũng chia sẻ ghi nhận và đã kiến nghị lên UBND huyện, ông Chung nói.
Cũng nhờ dân đồng thuận mà đến nay xã Thuận Hòa đã chi trả đợt 1 cho 32 hộ với số tiền trên 8,7 tỷ đồng, huyện Hàm Thuận Bắc cũng là địa phương có tiến độ giải phóng mặt bằng dẫn đầu tỉnh.
Chính quyền giữ vai trò “rường cột”
Khi trao đổi về dự án với ông Trần Ngọc Hiền - Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Bắc, được ông thông tin: Đến nay, toàn huyện đã hoàn thành công tác kiểm kê, xét pháp lý cấp huyện đạt 99,6% hồ sơ và áp giá đền bù chi trả 139,7 tỷ đồng. “Quán triệt sâu sắc sự chỉ đạo của cấp trên, cả hệ thống chính trị nhất là các cơ quan, đơn vị có liên quan cùng 8 xã, thị trấn có đường cao tốc đi qua đã tập trung dồn sức cho nhiệm vụ trên đến nay đã đạt được kết quả bước đầu đáng khích lệ”.
Cũng theo ông Hiền, bước đầu thực hiện giải phóng mặt bằng dự án, huyện Hàm Thuận Bắc rút ra kinh nghiệm phải làm tốt khâu tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên mà trực tiếp là nhân dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Chỉ khi người dân nắm rõ chủ trương của Đảng, Nhà nước, mục đích, ý nghĩa tầm quan trọng quốc gia đối với dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông cũng như chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư của dự án mà đồng thuận, nhất trí cao từ đó phối hợp, hỗ trợ trong công tác giải phóng mặt bằng. Khi đã có sự đồng thuận và cho phép của người dân thì tiến hành ngay việc kiểm kê, đo đạc hồ sơ địa chính, xác lập hồ sơ bồi thường; đẩy nhanh xét pháp lý ở cấp xã và tổ chức họp hội đồng bồi thường, tái định cư của huyện để thông qua hồ sơ, làm cơ sở cho việc thẩm định hồ sơ, phê duyệt phương án bồi thường. Quá trình kiểm kê, đo đạc kiểm đếm phải có sự tham gia trực tiếp của các hộ dân. Đại diện của Mặt trận, đoàn thể, xã, thôn, khu phố giám sát nhờ đó hồ sơ bồi thường lập nhanh, đảm bảo chính xác do đó khi công khai thì người dân đều thống nhất. Vài trường hợp thắc mắc đều được kiểm tra, rà soát nếu còn thiếu thì bổ sung kịp thời.
Toàn huyện Hàm Thuận Bắc có 40 hộ phải giải tỏa trắng nhà ở (chưa tính hộ ghép). “Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư huyện đã tổng hợp gửi UBND huyện xem xét, giải quyết. Trừ các trường hợp đủ điều kiện tái định cư theo quy định được bố trí đất thì các trường hợp không đủ điều kiện tái định cư bị giải tỏa nhà ở, không còn nhà ở nào thì được xem xét, giải quyết giao đất ở cũng tại khu tái định cư”, ông Hiền nói. Đến nay Hàm Thuận Bắc chưa phát sinh những đơn thư, chỉ có một số kiến nghị tập trung nâng mức đền bù của các hộ dân giải tỏa trắng xây nhà trên đất nông nghiệp chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để dân an cư; nâng mức giá đền bù giải tỏa mồ mả; những nhà, đất bị cắt xén đề nghị thu hồi hết để đảm bảo an toàn cũng như sản xuất. Về vấn đề này Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai đã chỉ đạo rốt ráo: “UBND huyện phải phân loại các kiến nghị, nắm bắt tình hình phát sinh cơ sở. Các đơn vị liên quan nắm chắc, cụ thể tham mưu giải quyết cho người dân đảm bảo công bằng”.
Làm thật tốt công tác đền bù giải tỏa, tái định cư, tạo việc làm, sinh kế ổn định lâu dài cho nhân dân vùng dự án là sự thành công trong giải phóng mặt bằng và sau khi dự án hoàn thành. Bác Hồ từng khẳng định: Không gì quý bằng nhân dân, không có gì mạnh mẽ bằng lực lượng đoàn kết của dân. Nói về dân, ông cha ta đã tổng kết: “Chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân, có dân thì có tất cả, mà mất dân là mất hết”.
Triển khai công tác giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn tỉnh, các huyện Bắc Bình, Hàm Tân có một số xã xảy ra tình trạng người dân trồng cây “đón đầu” dự án hay đào ao, xây dựng tường rào, xây nhà kiên cố ngay trong phạm vi dự án đường bộ cao tốc để trục lợi từ chính sách bồi thường, hỗ trợ của Nhà nước. Cùng với Hàm Thuận Bắc, các huyện Tuy Phong, Hàm Thuận Nam nhờ khơi dậy sức dân, trách nhiệm “đầu tàu” địa phương đã không để xảy ra tình trạng trên. |
Thanh Duyên