Theo dõi trên

Dự án chăn nuôi bò sinh sản - tạo sinh kế bền vững cho người dân

13/11/2024, 05:05

Với hiệu quả của mô hình nuôi bò sinh sản mà một số dự án trước đây đã triển khai trên địa bàn tỉnh, những hộ dân tham gia dự án ở huyện Hàm Thuận Bắc sẽ có cơ hội thoát nghèo bền vững.

Minh bạch từ khâu chọn giống

Đầu tháng 11 vừa qua, 23 hộ dân ở xã Thuận Minh huyện Hàm Thuận Bắc vui mừng khi được hỗ trợ mỗi hộ 1 con bò cái. Tuy nhiên, để có được sự đồng thuận của người dân, chính quyền xã đã họp nhiều lần và công khai từng bước trong quá trình thực hiện dự án nuôi bò cái sinh sản. Ngay từ khi UBND huyện Hàm Thuận Bắc triển khai dự án Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, xã Thuận Minh đã họp dân để thống nhất việc nuôi con gì, trồng cây nào để phát huy hiệu quả. Người dân đã thống nhất chọn mô hình nuôi bò cái. Bởi con bò đã gắn bó với người dân bao đời nay và ít nhiều các hộ dân cũng có kinh nghiệm chăm sóc. Bò là giống ít bị bệnh và dễ chăm sóc. Ngoài nguồn thức ăn tự nhiên sẵn có, người dân còn có nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, cây ngô, dây lang, thân cây lạc, đậu, lá sắn… có thể sử dụng làm thức ăn tốt cho bò sinh sản. Nhưng hiện nay nguồn phụ phẩm này chưa được sử dụng nhiều, còn lãng phí, nếu áp dụng một số kỹ thuật chế biến, dự trữ thì đây sẽ là nguồn thức ăn lớn cho bò. Phát triển chăn nuôi trâu, bò nói chung, đặc biệt là chăn nuôi bò cái sinh sản là một trong những biện pháp tốt nhất để sử dụng có hiệu quả lực lượng lao động nông thôn, nâng cao hiệu quả của chăn nuôi, từng bước giúp nông dân xóa đói, giảm nghèo tiến tới làm giàu. Bên cạnh đó trâu, bò, có sức chống chịu và khả năng đề kháng cao nên ít mắc dịch bệnh, người chăn nuôi ít bị rủi ro. Chăn nuôi gia súc lớn xuất bán dễ dàng, giá cả cao, nguồn thịt hiện nay đang được coi là các loại thịt chất lượng cao, an toàn. Người dân dễ dàng đối ứng vốn thông qua công chăm sóc, tận dụng chuồng trại. Thêm vào đó, nuôi bò cái thì chỉ 1 năm sau bò mẹ sẽ đẻ ra bò con. Nếu chịu khó chăm sóc thì số lượng bò sẽ tăng theo từng năm.

938bcae0ff8e44d01d9f.jpg
Niềm vui của các hộ dân khi được nhận bò.

Qua rà soát, thống kê, xã Thuận Minh có 23 trường hợp thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được tham gia dự án nuôi bò cái sinh sản. Tham gia dự án, mỗi hộ được hỗ trợ một con bò cái sinh sản có trọng lượng từ 216 – 220 kg. Xã Thuận Minh đã mời người dân tham gia ngay từ những ngày đầu triển khai. Cuối tháng 10/2024, xã Thuận Minh đã tổ chức cho 23 hộ dân cùng đại diện chính quyền địa phương đến xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc nơi đơn vị cung ứng giống để chọn bò.

Đầu tháng 11, xã Thuận Minh đã tổ chức cho các hộ dân bốc thăm nhận bò. Trong số đó, anh Nguyễn Thái Bình, ở thôn 2 được mọi người nói vui là "trúng số". Bởi con bò anh Bình bốc thăm trúng ngoài bò mẹ còn có thêm một con bê hơn 2 tháng tuổi được đơn vị cung cấp giống tặng. Chia sẻ với chúng tôi, anh Bình cho biết: Gia đình anh mới thoát nghèo được gần một năm nay, kinh tế gia đình vẫn còn nhiều khó khăn nên việc được chính quyền hỗ trợ một con bò anh rất mừng. Càng vui hơn khi anh bốc thăm trúng con bò có thêm bê con. Vì bò mẹ đang nuôi con nên anh Bình đã tăng cường thêm cỏ và chất dinh dưỡng. Hằng ngày, người con trai đang học lớp 6 của anh Bình có nhiệm vụ dẫn bò đi đến những khu vực có nhiều cỏ để cho bò ăn. “Đây là một cơ hội để gia đình có thêm thu nhập thoát nghèo bền vững. Gia đình sẽ cố gắng chăm sóc 2 con bò thật tốt để chúng có thể đẻ thêm nhiều con bò khác. Tôi sẽ không bán chúng đi mà tiếp tục giữ lại để gây dựng đàn bò nhiều lên”, anh Bình chia sẻ.

Ông Hồ Thanh Nhanh, Chủ tịch UBND xã Thuận Minh cho biết: Việc triển khai dự án nuôi bò cái sinh sản sẽ khơi dậy ý chí tự lực tự cường của người nghèo, chủ động vươn lên thoát nghèo. Qua theo dõi, ghi nhận thông tin từ phía người dân thì các con bò được cung cấp đang phát triển khá tốt. Trong thời gian tới xã sẽ phối hợp với tổ cộng đồng thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình của các hộ dân. Cùng với đó xã sẽ phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao kiến thức chăn nuôi cho các hộ dân. Khi có các chương trình tiêm chủng cho bò, xã cũng sẽ ưu tiên, tạo điều kiện tốt nhất cho các hộ dân tham gia dự án chăm sóc bò đạt hiệu quả cao.

7bf6fe97caf971a728e8.jpg
Bò mẹ và bò con đang được gia đình anh Bình chăm sóc cẩn thận.

Tạo sinh kế bền vững

Theo tính toán của xã Thuận Minh, 1 hộ tham gia dự án được hỗ trợ 1 con bò cái sinh sản, giúp hộ dân tiết kiệm chi phí mua con bò cái sinh sản trong quá trình chăn nuôi. Sau khi được hỗ trợ, đối với con bò cái sinh sản giống lai Sind có thời gian mang thai từ 11 - 12 tháng, đối với con bò lai Brahman có thời gian mang thai từ 13-15 tháng. Bê con sau khi sinh được nuôi khoảng 6 tháng sẽ tiến hành dứt sữa, các hộ có thể bán bê con hoặc nuôi bò thịt. Như vậy, từ thời điểm nhận hỗ trợ đến năm thứ 3 thì một hộ dân sẽ có 1 con bê và có thể bán 1 con bò thịt. Mỗi con bò thịt có cân nặng khoảng 310 kg, thu về trung bình 10.333.000 đồng/hộ/năm (tương đương 861.000 đồng/hộ/tháng). Khi tham gia dự án, nếu các hộ không tính công chăm sóc lợi nhuận trung bình đạt khoảng 7.893.000 đồng/năm. Mỗi tháng trung bình mỗi hộ có thể tăng thêm thu nhập khoảng 658.000 đồng.

Để hỗ trợ người dân khi tham gia chương trình, xã Thuận Minh đã thành lập Tổ cộng đồng chăn nuôi bò với sự tham gia của đại diện chính quyền xã và 23 hộ dân. Tổ có nhiệm vụ xây dựng hồ sơ đề nghị dự án, phương án sản xuất, dịch vụ thực hiện dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo chăn nuôi bò cái sinh sản. Thông báo nội dung dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt đến các hộ dân tham gia thực hiện dự án. Tổ còn có trách nhiệm triển khai dự án đảm bảo tiến độ và đạt hiệu quả, theo dõi, kiểm tra đôn đốc quá trình thực hiện dự án, báo cáo tiến độ thực hiện cho UBND xã Thuận Minh. Tổ cộng đồng chọn đơn vị cung cấp bò cái sinh sản, ký hợp đồng, triển khai thực hiện nhận, giao bò cái sinh sản cho từng hộ dân tham gia dự án và chịu trách nhiệm trước UBND xã về kết quả thực hiện mua sắm bò cái sinh sản.

Bên cạnh đó, Tổ còn có nhiệm vụ phối hợp tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ trong suốt quá trình thực hiện dự án. Vận động các hộ tham gia dự án thực hiện tốt các nội dung đã cam kết, theo dõi ghi chép sổ nhật ký đầy đủ trong quá trình thực hiện, tham gia đầy đủ các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi. Tổ chức sơ kết, tổng kết để đánh giá hiệu quả mô hình, những mặt đạt được, tồn tại khó khăn và đề xuất hướng giải quyết nhằm nâng cao hiệu quả của nguồn vốn. Từ đó có cơ sở để nhân rộng mô hình nhằm mang lại thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo từng bước giúp hộ thoát nghèo nhanh và bền vững. Trường hợp vật nuôi được hỗ trợ bị rủi ro do thiên tai, dịch bệnh hay nguyên nhân bất khả kháng khác, Tổ trưởng tổ cộng đồng phải báo cáo ngay cho UBND xã Thuận Minh và cán bộ thú y xã để xử lý kịp thời, theo quy định.

Không chỉ ở xã Thuận Minh mà còn 15 xã khác trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc cũng đăng ký thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 với dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo bằng mô hình nuôi bò cái sinh sản với 290 trường hợp thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được tham gia. Nếu các hộ dân chịu khó chăm sóc thì cơ hội để thoát nghèo là điều nằm trong tầm tay.

NGUYỄN LUÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Đồng chí Nguyễn Quốc Thắng đảm nhận chức vụ Bí thư Huyện ủy Phú Quý
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận vừa có quyết định điều động và chỉ định đồng chí Nguyễn Quốc Thắng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy Phú Quý nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dự án chăn nuôi bò sinh sản - tạo sinh kế bền vững cho người dân