Dự án bao gồm các hoạt động trồng mới rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên, nâng cấp rừng trồng và bảo vệ rừng trong các khu rừng ưu tiên bảo vệ, phát triển sinh kế của cộng đồng địa phương, cùng tăng cường năng lực quản lý cho cán bộ chính quyền và cộng đồng. Theo đó, dự án xem việc cải thiện sinh kế cho người dân trong khu vực dự án là một hợp phần quan trọng trong quá trình thực hiện quản lý và bảo vệ bền vững rừng phòng hộ. Các hoạt động cải thiện sinh kế được thiết kế, góp phần tạo môi trường thuận lợi để cộng đồng tham gia vào các hoạt động quản lý rừng, giảm thiểu việc khai thác tài nguyên rừng của con người, thông qua việc tạo cho họ những sinh kế thay thế phù hợp. Đồng thời, động viên người dân địa phương tham gia vào công tác quản lý rừng phòng hộ theo phương thức bền vững.
Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh (đơn vị thực hiện gói thầu đánh giá nhu cầu sinh kế ở các xã dự án) đánh giá, những xã này có diện tích rừng và đất lâm nghiệp tương đối lớn, chủ yếu là diện tích rừng tự nhiên phòng hộ. Riêng đất sản xuất nông nghiệp phần lớn là đất xám bạc màu, nghèo dinh dưỡng, dẫn đến sản xuất cây trồng, vật nuôi ở đây hầu hết theo truyền thống (lúa, bắp, cà phê, điều…) năng suất không cao, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc đưa các xã trên vào hỗ trợ sinh kế rất thiết thực.
Đơn vị thực hiện gói thầu cho biết, kết quả sau khi tham vấn tại 6 xã, có 10 mô hình được lựa chọn. Trong đó, có 3 mô hình chăn nuôi gà, dê và bò. Đối với cây trồng, có 7 mô hình gồm cây điều, cà phê, xoài, mít, sầu riêng, thanh long và cây lúa nước. Riêng cây điều có 3/6 xã lựa chọn là Phan Lâm, Đa Mi và Đông Tiến. Sở dĩ đa số các xã tập trung lựa chọn các mô hình cây trồng vì phù hợp với thực tế sản xuất và điều kiện canh tác của đồng bào. Họ tin tưởng sau khi làm mô hình sẽ cho giá trị thu nhập, nâng cao kỹ thuật canh tác và thị trường tiêu thụ.
Đến thời điểm này, dù dự án mới chỉ dừng lại ở việc đánh giá nhu cầu sinh kế, nhưng theo Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư, dự kiến kế hoạch ngân sách hỗ trợ cải thiện sinh kế cho các xã tham gia dự án trên địa bàn tỉnh, từ năm 2016 đến năm 2019 khoảng trên 1,5 tỷ đồng. Trong đó, bao gồm kinh phí xây dựng mô hình sinh kế, nâng cao năng lực, tập huấn, hội thảo đầu bờ, hỗ trợ nhân rộng kết quả…Để thực hiện tốt nội dung dự án, rất cần sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của Ban quản lý dự án JICA 2, các đoàn thể, địa phương, nông dân thực hiện mô hình. Mặt khác, có biện pháp giảm thiểu các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp ở các xã dự án như thiên tai, dịch bệnh, thị trường biến động…
Tạo nguồn sinh kế thay thế cho những hoạt động khai thác tài nguyên rừng như làm than, lấy củi, canh tác nông nghiệp trong rừng phòng hộ… Đó là một trong những mục tiêu mà hợp phần hỗ trợ phát triển sinh kế, thuộc dự án JICA 2 đang hướng tới.
Dự án JICA 2 tỉnh Bình Thuận do Sở Nông nghiệp & PTNT làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án JICA 2 tỉnh là đại diện chủ đầu tư với nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Mục tiêu chung của dự án là quản lý và bảo vệ bền vững rừng phòng hộ; phục hồi và bảo tồn đa dạng sinh học và xóa đói giảm nghèo ở khu vực miền núi… |
Kiều Hằng