Bãi rác lộ thiên thôn Tân Lập. |
“Bảo vệ” rác
Tầm 6 giờ sáng, khi mặt trời vừa ló dạng, người dân “xóm rác” thôn Lập Đức lại nghe tiếng xe máy nổ xình xịch của ông Tâm trong xóm. Mùa nắng này, hầu như ngày nào ông Tâm cũng dạo hơn chục vòng quanh bãi rác rộng gần 3 ha ngay sát vườn thanh long của ông. Người dân “xóm rác” thường gọi vui: ông Tâm “bảo vệ” rác. Ông nghe vậy rồi cười. Hơn ai hết, ông hiểu rằng, nếu như không “bảo vệ”, chỉ một sơ ý nhỏ như vứt đầu thuốc lá, rác có thể bốc cháy bất cứ lúc nào. Đến bây giờ, ông Tâm vẫn không thể quên giây phút bãi rác đột nhiên bốc cháy ngùn ngụt khiến nhiều ha thanh long gần đó bị ảnh hưởng vào năm 2016. Nhiều hộ dân trắng tay, ông Tâm bị thiệt hại nhiều nhất. Ông nhớ trước đó vài hôm, nhìn những búp thanh long đang mơn mởn, ông mong ước thanh long được giá, nhà lại có thêm đồng ra đồng vào. Ai dè! Chỉ sau một trận cháy, mọi mong ước của ông bay theo làn khói trắng mịt mờ. 6 sào thanh long của ông Tâm bị thối búp 100%, ước thiệt hại khoảng 50 triệu đồng. Ông tiếc của, tiếc công nhưng đành bất lực… Cũng vào thời điểm này năm ngoái, bãi rác bốc cháy, đến 8 giờ sáng trời vẫn còn mịt mù và không khí có mùi rất khét, khó thở bao trùm khắp nơi. Trên quốc lộ 1A qua địa bàn này, cách trên 100m đã không thể nhìn thấy đường. Mặc dù vậy ông Tâm vẫn thở phào vì lửa được dập tắt kịp thời nên thanh long không ảnh hưởng nhiều. Nhưng không khí thì bị ô nhiễm trầm trọng, bởi khi đốt thì rác thường không cháy hết, mà cháy âm ỉ tạo nhiều khói và có mùi khét nồng khó chịu. Chính bởi vậy, mùa khô năm nay ông Tâm nơm nớp lo sợ và đề cao cảnh giác hơn. Ông giám sát hàng ngày, nếu như phát hiện có cháy thì lập tức báo cho những hộ dân có vườn sát bãi rác đến cùng dập lửa…
Hệ thống thu gom, xử lý nước thải đang xây dựng. |
Có mặt tại bãi rác thôn Lập Đức, xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam vào một buổi chiều đầu tháng 4, chúng tôi quan sát thấy đây là bãi rác lộ thiên. Bãi rác thải đủ thứ hỗn độn từ chăn chiếu cũ, vỏ chai lọ, túi nilon và cả thức ăn thừa... luôn bốc mùi hôi nồng nặc. Dẫn chúng tôi đi xem bãi rác với diện tích khoảng 3 ha, ông Tâm vừa đi vừa ngao ngán: “Gần 15 năm nay, hàng chục hộ dân thôn Lập Đức rất bức xúc khi phải sống chung với không khí và nguồn nước ô nhiễm từ bãi rác tập trung duy nhất của huyện. Tình trạng này đã kéo dài hàng chục năm không được khắc phục, ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của chúng tôi. Qua thời gian dài quan sát, thấy việc đầu tư xây dựng bãi xử lý rác khá sơ sài và chậm chạp”. Chỉ về phía hố chôn lấp rác, ông Tâm bức xúc cho biết: “Đây là hố chôn lấp rác nhưng 3 năm qua để trơ trọi không sử dụng. Phía bên tay phải tôi là hệ thống xử lý rác và nước thải đang được xây dựng. Một công trình lớn như vậy nhưng chỉ có vài ba công nhân, không biết đến khi nào mới hoàn thành…?” Điều đáng nói, bãi rác đang gây ô nhiễm nghiêm trọng này chỉ cách các nhà dân vài chục mét. Vì vậy, mùi rác thải hôi thối bốc lên khiến không khí lúc nào cũng ngột ngạt. Nhiều nhà phải lắp cửa kính, đóng cửa kín mít cả ngày nhưng cũng không ngăn được sự ô nhiễm bủa vây. Người dân ở đây cũng đã dùng nhiều cách để hạn chế bớt ruồi nhặng như: dùng keo dính, phun thuốc… Nhưng ruồi nhặng quá nhiều nên khi ăn cơm người dân phải bỏ màn mới ăn nổi… Không dừng lại, nước từ bãi rác còn rỉ ra đen đặc chảy xuống suối Hố Nhãn. Từng cung cấp nguồn nước tưới cho cây trồng nhưng nhiều năm qua Hố Nhãn trở thành con suối “chết”!
Dự án trên… giấy
Qua tìm hiểu thực tế, từ năm 2004, huyện Hàm Thuận Nam có báo cáo nghiên cứu khả thi công trình “Xây dựng bãi chôn lấp, xử lý rác hợp vệ sinh” tại xã Tân Lập. Báo cáo nêu rõ quan điểm của huyện lúc bấy giờ, đầu tư xây dựng một khu xử lý chất thải rắn hoàn toàn mới tại một địa điểm được lựa chọn thích hợp, đảm bảo các yêu cầu nghiêm ngặt về môi trường. Đặc biệt, khu xử lý chất thải rắn phải đủ khả năng hoạt động tối thiểu đến năm 2010, đồng thời đảm bảo các yêu cầu như thu hồi nước rỉ rác, xử lý nước thải, khí gas. Toàn khu vực phải có đường giao thông nội bộ và các công trình phụ khác đảm bảo cho khu xử lý vận hành an toàn, hiệu quả.
6 năm sau, Ban Quản lý công trình công cộng huyện Hàm Thuận Nam tiếp tục có báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án “Xử lý rác thải và đường nội bộ bãi rác xã Tân Lập” năm 2010. Theo đó, giai đoạn từ năm 2008 đến 2015, dự án thực hiện việc thu gom rác thải sinh hoạt tại các khu vực gồm thị trấn Thuận Nam, tại trục đường chính, chợ tại các xã Hàm Minh, Hàm Kiệm, Tân Lập và Hàm Mỹ. Báo cáo nhấn mạnh về quy trình xử lý chất thải rắn là bãi chôn lấp hợp vệ sinh, phù hợp với điều kiện địa phương. Các hạng mục chủ yếu của bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh gồm hố chôn rác, hệ thống xử lý nước rác, thu và xử lý gas. Cùng thời điểm trên, UBND huyện Hàm Thuận Nam có quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật công trình bãi rác xã Tân Lập do Ban Quản lý công trình công cộng huyện làm chủ đầu tư. Diện tích sử dụng đất là 30.000 m2 bao gồm: Hố chôn lấp rác; hệ thống thu gom và xử lý nước rác, nước thải; hệ thống thoát nước mưa và đê bao ngăn lũ tràn từ suối và hệ thống đường giao thông nội bộ. Tổng mức đầu tư dự án hơn 6,1 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước, thời gian thực hiện từ năm 2011-2012.
Tuy nhiên, đến tháng 10/2013, UBND huyện Hàm Thuận Nam lại ra quyết định phê duyệt điều chỉnh bổ sung báo cáo kinh tế - kỹ thuật công trình bãi rác xã Tân Lập. Theo đó, công trình bãi rác được huyện bổ sung giai đoạn 1 có hố chôn lấp rác số 3 và hệ thống thu gom, xử lý nước thải. Hệ thống được bố trí hợp lý đảm bảo thu gom toàn bộ nước rác, nước thải về khu xử lý. Mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 2,7 tỷ đồng, thời gian thực hiện giai đoạn 1 của dự án từ năm 2013 - 2014… 4 năm trôi qua, giai đoạn 1 của công trình bãi rác xã Tân Lập đến nay vẫn chưa hoàn thành. Hàng chục hộ dân nơi đây vẫn tiếp tục “sống chung” với ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ bãi rác.
Bãi rác dự phòng
Đề cập chuyện này với đại diện Ban Quản lý công trình công cộng huyện mới biết, công trình bãi rác xã Tân Lập xây dựng quá chậm là do thiếu vốn. Thời điểm này, chủ đầu tư đang trong quá trình hoàn thiện giai đoạn 1 gồm hố chôn lấp rác và hệ thống thu gom, xử lý nước thải. Dự kiến vào cuối tháng 4/2018, Ban Quản lý công trình công cộng huyện sẽ tiến hành gom rác về TP. Phan Thiết xử lý khi Nhà máy xử lý rác TP. Phan Thiết do Công ty TNHH Nhật Hoàng làm chủ đầu tư đi vào hoạt động. Đây là nhà máy được xây dựng với công nghệ xử lý hiện đại, công suất 400 tấn/ngày, tổng vốn đầu tư 495 tỷ đồng, trên diện tích đất 10 ha. Còn bãi rác ở thôn Lập Đức, xã Tân Lập sẽ trở thành bãi rác dự phòng của huyện. Được biết, thời điểm này, Công ty TNHH Nhật Hoàng đang ưu tiên xây dựng trước hạng mục nhà xưởng tiếp nhận và xử lý rác, kết hợp xây dựng đường giao thông nội bộ để đưa vào hoạt động xử lý rác theo đúng tiến độ đề ra.
Tại buổi họp mới đây nhất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Nam đã yêu cầu chủ đầu tư bãi chôn lấp và xử lý rác xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam phải hoàn thành giải pháp bảo vệ môi trường, chậm nhất vào cuối tháng 8 năm nay. Đây là công trình đang đưa vào sử dụng nhưng chưa hoàn chỉnh hệ thống bảo vệ môi trường, chủ đầu tư phải hoàn thiện biện pháp bảo vệ môi trường chậm nhất đến tháng 4/2018, gửi hồ sơ về Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, xác nhận. Nếu không hoàn thành, tỉnh sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.
Một thực tế cho thấy, hiện nay nhiều bãi rác trên địa bàn tỉnh xử lý rác không đúng quy định, hệ thống bảo vệ môi trường chưa hoàn chỉnh không chỉ gây ô nhiễm môi trường sống, mà còn để lại nhiều nguy cơ tiềm ẩn về ô nhiễm nguồn nước, đất đai và không khí. Do đó, việc quy hoạch bãi rác tập trung là việc làm cần thiết và đúng đắn, đồng thời cần thu gom, xử lý rác thải sao cho bảo đảm an toàn, tránh gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống thường nhật của người dân sống xung quanh.
Phóng sự điều tra của THU HÀ