Theo dõi trên

Du học sinh Bình Thuận giữa tâm dịch Moskva

08/02/2021, 12:56

BX- Đã hơn 3 tháng trôi qua kể từ ngày về Việt Nam, nhưng đến bây giờ mỗi khi nghe thông tin về tình hình dịch Covid-19 hoành hành ở Nga, các em lại cảm thấy thật may mắn khi có tấm vé trên chuyến bay vào trung tuần tháng 9/2020. Chắc chắn đó sẽ là một kỷ niệm khó quên trong cuộc đời của tất cả du học sinh Việt Nam nói chung và du học sinh Bình Thuận nói riêng trên chuyến bay giải cứu ngày hôm ấy…

Mùa đông không mong đợi

“Chúng tôi là những sinh viên thạc sĩ năm cuối chuyên ngành giảng dạy tiếng Nga tại Viện tiếng Nga quốc gia A.X.Pushkin tại Moskva, Liên bang Nga. Với tâm thế là sinh viên năm cuối, mỗi ngày còn lại ở Nga là một ngày quý giá. Bỗng một ngày dịch bệnh ập đến, nhưng lúc ấy mọi thứ vẫn ổn cho đến tháng 4, Covid-19 mới thật sự đáng sợ, các trường học đóng cửa, giờ học diễn ra online. Thời gian đầu vì đã biết rõ sự nguy hiểm của Covid-19 nên chúng tôi khi đi ra ngoài đều mang khẩu trang. Nhưng mọi người biết rồi đấy, việc đeo khẩu trang ở nước ngoài là điều lạ lẫm. Số ca nhiễm mỗi ngày một tăng, đặc biệt là thủ đô Moskva nơi chúng tôi sinh sống. Mỗi sáng cập nhật số ca mắc ở Nga thấy con số cứ tăng lên đến hàng ngàn. Thời tiết lạnh lẽo âm độ và khung cảnh âm u đặc trưng của nước Nga chỉ làm cho chúng tôi càng thêm nỗi nhớ nhà…” – Hàn Nguyễn Phúc Uyên (SN 1995) – cựu học sinh Trường THPT chuyên Trần Hưng Đạo, nhà ở phường Phú Thủy (TP. Phan Thiết) bồi hồi nhớ lại.

Khoa và Uyên trong ngày tốt nghiệp thạc sĩ và trong thời gian học tập tại Liên bang Nga.

Ngoài Phúc Uyên, du học sinh Bình Thuận được giải cứu đợt này còn có Phan Phương Ngọc Khoa (SN 1995) quê ở xã Hồng Sơn (Hàm Thuận Bắc). “Chúng tôi sống tại ký túc xá của trường, có rất đông sinh viên đến từ nhiều nước trên thế giới, và tất nhiên không phải ai cũng chấp hành quy định an toàn dịch bệnh. Chính vì thế dần dần sinh viên trong ký túc xá có người bị nhiễm, suốt mùa đông chúng tôi chỉ ở trong phòng nhìn tuyết rơi dày đặc. Những ngày lạnh lẽo, u ám đó chúng tôi chỉ ước gì mình đang ở quê nhà bên cạnh người thân…” – cuộc trò chuyện với các em khiến tôi phần nào hiểu nỗi khao khát được rời khỏi nước Nga lúc ấy mãnh liệt như thế nào.

Và hành trình giải cứu…

Giai đoạn cuối của hành trình về nước là giai đoạn gian nan và tốn nhiều nước mắt nhất. Mọi hy vọng đều tan biến khi các em đã hoàn thành chương trình học và tiến hành lễ tốt nghiệp xong nhưng vẫn không được về nước. Theo thông lệ sau lễ tốt nghiệp 1 tuần, du học sinh sẽ được về nước. Thời điểm ấy, vào những ngày đầu tháng 7 sẽ có chuyến bay cứu trợ dành cho người Việt đang bị mắc kẹt tại Nga. Ai nấy đều nghĩ rằng mình thuộc diện được ưu tiên nên luôn trong tâm thế sẵn sàng. Nhưng đến sát ngày vẫn không có thông tin gì, mọi hy vọng chỉ còn le lói cho đến khi chính thức biết trong danh sách được về không có tên mình. “Tôi nhớ lúc ấy mình đã bật khóc khi thấy trong danh sách giải cứu đợt ấy không có tên những du học sinh Bình Thuận. Thậm chí, tôi lo mình sẽ không kịp về quê nhà đón tết cùng gia đình sau 2 năm xa cách. Lúc ấy, chúng tôi chỉ biết động viên nhau trong khi tình hình dịch bệnh vô cùng căng thẳng, Nga xếp thứ 2 toàn thế giới về số ca mắc Covid-19…” – Phúc Uyên nhớ lại.

Sau đó có thêm vài chuyến bay cứu trợ, có người về người ở lại, người khóc người cười. Nhưng các em không còn quá thất vọng như lần đầu nữa, bởi các em biết ở Nga còn rất nhiều người hoàn cảnh khó khăn cần được ưu tiên giải cứu. Hàng trăm sinh viên đã tốt nghiệp tại Nga đang chờ đợi một thứ gọi là phép màu. Mọi người cùng nhau kêu gọi, viết thư cầu cứu các cơ quan chức năng để được giúp đỡ. Hơn 2 tháng chờ đợi, cuối cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Cục Hợp tác quốc tế, Đại sứ quán Việt Nam tại Nga… đã tạo điều kiện cho hơn 300 sinh viên Việt Nam, trong đó có một số du học sinh Bình Thuận về nước đoàn tụ với gia đình.

Các em trong chuyến bay giải cứu du học sinh về nước.

19 giờ 30 phút theo giờ Nga ngày 9/9 cả đoàn lên máy bay, 339 công dân với phần lớn là sinh viên đã tốt nghiệp vô cùng phấn khởi, nhưng cũng không quên trang bị bảo hộ cẩn thận để trải qua 10 giờ bay. 9 giờ 30 phút theo giờ Việt Nam, các em hạ cánh tại sân bay Cam Ranh. Cả đoàn bay vỗ tay thật to mừng chuyến bay đặc biệt đã thành công và chào đón 339 công dân Việt Nam trở về quê hương. Cái nóng khắc nghiệt của Nha Trang lúc ấy khiến Uyên và Khoa nhận ra rằng: “Mình đã về tới Việt Nam thật rồi”.

Sau khi hoàn thành thủ tục cần thiết, mọi người di chuyển về Trung đoàn Bộ binh 888 tại TP.Tuy Hòa (Phú Yên) để hoàn thành cách ly. Sau hành trình dài tất cả đều cảm thấy mệt mỏi, nhưng các chú bộ đội ở đây đã lo lắng và chăm sóc mọi người rất nhiệt tình. Đến giờ, Khoa và Uyên vẫn luôn nhớ mãi lời căn dặn của các chú bộ đội: “Nhiệm vụ của các bạn là nghỉ ngơi thật khỏe, việc còn lại cứ để chúng tôi lo...”.

Chia tay tôi, nhưng Uyên và Khoa không quên nhắn nhủ: “Cảm ơn nước Nga vì trong 2 năm qua đã cho chúng tôi nhiều kiến thức để phát triển bản thân và có những trải nghiệm tuyệt vời mà không phải ai cũng có thể có được. Bây giờ ở Nga đang là mùa đông, dịch bệnh tiếp tục hoành hành. Mong cho nước Nga thân yêu sẽ sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này để lại yên bình và xinh đẹp như xưa”…

Hồng Trinh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Du học sinh Bình Thuận giữa tâm dịch Moskva