Theo dõi trên

Du lịch Bình Thuận mong chờ sân bay, cảng biển, đường cao tốc

29/07/2016, 16:26

BTO- Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Bình Thuận vừa họp trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố để đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy (khóa XII) về phát triển du lịch đến năm 2015, và thảo luận một dự thảo NQ mới của Tỉnh ủy (khóa XIII) về phát triển du lịch đến 2020, nhằm đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

5 năm qua, những khó khăn của kinh tế thế giới và trong nước đã ảnh hưởng rõ nét đến thu hút đầu tư và thu hút du khách của ngành du lịch. Tuy nhiên, du lịch Bình Thuận vẫn tiếp tục tăng trưởng cả về doanh thu và lượt khách. Trên thị trường du lịch cả trong và ngoài nước, Bình Thuận cơ bản giữ được hình ảnh một điểm đến an toàn – thân thiện – mến khách, không để xảy ra nạn “chặt chém”, lừa đảo du khách, an ninh trật tự, giá cả, vệ sinh an toàn thực phẩm được bảo đảm.

                              
Phối cảnh sân bay Phan Thiết
   
Phối cảnh đường cao tốc Dâu Giây - Phan    Thiết

Lượng du khách đến Bình Thuận tăng bình quân 10,95% năm, trong đó khách quốc tế tăng 12,8%/năm, doanh thu từ du lịch tăng 24,7%/năm. Du lịch tăng trưởng góp phần tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm, thủy sản của địa phương, kích thích các làng nghề, khôi phục các lễ hội truyền thống, tạo thêm nhiều công ăn việc làm thu nhập cho dân cư và tăng nguồn thu cho ngân sách.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng du lịch có sự chững lại trong vài năm gần đây. Hầu hết chỉ tiêu nghị quyết đề ra chưa đạt được (trừ chỉ tiêu về doanh thu). Bình Thuận chưa thu hút được các nhà đầu tư chiến lược, có thể tạo ra bước đột phá. Sản phẩm du lịch còn đơn điệu. Số lượng dự án “treo” qua nhiều. Do chưa có sân bay, cảng biển, đường cao tốc, khách đến Bình Thuận chủ yếu bằng QL1A vừa mất nhiều thời gian, vừa không an toàn, nên sức cạnh tranh của Bình Thuận giảm hẳn. Môi trường đầu tư, kinh doanh du lịch còn nhiều khó khăn, những thay đổi về chính sách, về quy hoạch, tác động không tốt đến tâm lý các nhà đầu tư. Vệ sinh môi trường du lịch chưa giải quyết tốt, du khách (nhất là khách quốc tế) than phiền nhiều về ô nhiễm rác thải…

Mục tiêu đặt ra là đến năm 2020 du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Bình Thuận, đóng góp 9 – 10% GRDP. Bình Thuận trở thành một trung tâm du lịch – thể thao biển của quốc gia. Hàm Tiến – Mũi Né là khu du lịch quốc gia. Thành phố Phan Thiết là một thành phố du lịch. Doanh thu du lịch tăng trên 15%/năm, khách quốc tế tăng 12%/năm.

Trong nhiều giải pháp dự thảo nghị quyết phát triển du lịch đến 2020 đặt ra, đáng chú ý là phải tháo gỡ được “nút thắt” giao thông đối ngoại. Bình Thuận cần tích cực, chủ động làm việc với Trung ương để sớm triển khai các dự án: Cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, Phan Thiết – Nha Trang, nâng cấp tuyến Lương Sơn – Đại Ninh, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Sân bay Phan Thiết, cảng tổng hợp Vĩnh Tân.

Giao thông đối nội đang rất cần có nguồn vốn để khởi công các dự án: mở rộng đường Nguyễn Thông, Nguyễn Đình Chiểu, nâng cấp đường Tân Thuận – Thuận Quý. Giao thông tuyến Phan Thiết – Phú Quý phải đầu tư đúng mức, nếu muốn khai thác tiềm năng du lịch đảo Phú Quý.

Hạ tầng giao thông phải đi trước một bước, mở đường cho du lịch phát triển. Nhiều chuyên gia, nhà kinh tế nhận định: có sân bay, cảng biển, đường cao tốc, du lịch Bình Thuận sẽ là “gà đẻ trứng vàng”!

Đặng Dũng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Du lịch Bình Thuận mong chờ sân bay, cảng biển, đường cao tốc