Theo dõi trên

Du lịch lồng bè ở Lạch Dù

28/05/2018, 10:44

BT- Mùa này, dù đã qua thời điểm “tháng 3 bà già đi biển”, nhưng mặt nước vẫn một màu trong xanh, phẳng lặng tựa gương soi. Du khách sẽ khó lòng cưỡng lại khi bước lên những lồng bè nuôi hải sản tại Khu Lạch Dù, xã Tam Thanh (Phú Quý)…

                
   Du khách thưởng thức, vui chơi trên bè cá.

Khám phá

Từ Phan Thiết, con tàu Hưng Phát 26 đưa chúng tôi vượt qua 56 hải lý theo hướng Đông - Đông Nam để đến với huyện đảo Phú Quý chỉ chưa đầy 4 giờ. Hòn đảo với diện tích 17,82 km2 hiện lên trước mắt thật đẹp, sừng sững giữa bốn bề biển cả. Như lời nhận xét của nhiều du khách, Phú Quý luôn mang đến ấn tượng cho những ai đã từng đặt chân đến. Và đặc biệt hơn, du khách sẽ khó lòng cưỡng lại khi bước lên những lồng bè nuôi hải sản tại Khu Lạch Dù, xã Tam Thanh.

Khu Lạch Dù hiện đang tập trung khoảng 60 lồng bè, nuôi nhiều hải sản giá trị kinh tế cao. Ông Trần Văn Thiện - một trong 4 chủ bè hoạt động dịch vụ du lịch lồng bè tại đây đón chúng tôi trên chiếc ca nô sau một cuộc điện thoại đặt chỗ. Ấn tượng đầu tiên với ông chủ nhà bè này là gương mặt đen bóng, dáng người nhỏ nhắn, có lẽ do cuộc sống mưu sinh giữa mênh mông biển nước, dưới trời nắng gắt. Vừa đón khách, ông Thiện nở nụ cười rất tươi, không quên nhắc nhở du khách mặc áo phao và cho biết, mỗi chuyến ca nô chỉ chở đúng 5 người để đảm bảo an toàn. Cách bờ chừng 70 đến hơn 100 m là điểm neo đậu của các lồng bè. Trong khoảng thời gian từ 5 - 7 phút chạy ca nô (tùy theo khoảng cách neo đậu), du khách được thỏa thích ngắm nhìn những bãi rong xanh đang đu đưa theo dòng nước trong suốt, từng đàn cá con bơi lặn giữa thảm thực vật tự nhiên đẹp đến mê hồn.

Vào đúng ngày cuối tuần nên các nhà bè ở đây khách tập trung rất đông. Không khí rôm rả, náo nhiệt cả một vùng biển. Đặc biệt, nhà bè lớn và gần bờ nhất của anh Xá đã chật kín người, khiến nhiều du khách không chờ đợi được đã phải di chuyển qua bè khác xa hơn. Hầu hết các lồng bè ở đây nuôi các loại cá mú đỏ và mú cọp để xuất bán. Riêng các loại hải sản cao cấp khác như tôm đỏ, ốc nhảy, bò dép, ốc vú nàng…đều được mua về nuôi tại lồng bè để phục vụ du khách.

Theo quan sát, khoảng 20 người hiện có tại bè của ông Thiện chủ yếu đến từ Phan Thiết và Tp. Hồ Chí Minh. Chị Lan Hương- một du khách từ đất liền lần đầu ra đảo trầm trồ khi tận mắt nhìn thấy những đàn cá, cua, tôm, ốc đặc sản của đảo tươi sống, được nuôi trong các lồng bè. Du khách tha hồ lựa chọn loại nào vừa ý để thưởng thức tại chỗ. Ăn hải sản sạch, tươi ròng ngay trên biển là ấn tượng khó quên trong lòng du khách. Thậm chí, một số người còn mua thêm các loại tươi sống để mang vào bờ làm quà. Giá cả hải sản bán tại đây cũng ở mức vừa phải, chẳng hạn như cá bò dép 150 ngàn đồng/kg, cá mú 350 ngàn đồng/kg, ốc nhảy 80 ngàn đồng/kg, riêng tôm đỏ loại 1 có giá khá cao với 800 ngàn đồng/kg.  

                
   Ông Thiện vớt cá phục vụ du khách.

Nghề “nửa mùa”

Càng về trưa, lượng du khách lên các bè càng đông đúc, khiến chủ dịch vụ du lịch lồng bè Hải Thiện càng trở nên tất bật. Ông Thiện cho biết, cả gia đình gồm 6 người đều tập trung phục vụ, gồm 3 người lái 3 chiếc ca nô chở khách, một người chuyên đi vớt cá sau khi khách chọn, một đầu bếp và ông là người quản lý chung… Thấy công việc làm ăn của gia đình ông Thiện khá thuận lợi, khi thu hút nhiều du khách lên bè, tôi bắt chuyện với ông về nghề. Ông Thiện không ngần ngại chia sẻ: Vốn là một ngư dân, sau đó chuyển sang nuôi cá lồng bè. Cách đây chừng 4 năm, có một số vị khách trong đất liền ra thăm và ngỏ ý muốn thưởng thức những hải sản tươi sống ngay tại chỗ. Nắm bắt được nhu cầu đó, gia đình ông và một số chủ lồng bè khác trong vùng mới bắt đầu hình thành và ngày càng phát triển dịch vụ này. Theo đó, nguồn thu nhập chính của gia đình chủ yếu vẫn từ nghề nuôi cá lồng bè. Riêng dịch vụ ăn uống trên bè mỗi năm thu nhập khoảng 70 triệu đồng.

Khách du lịch đến Phú Quý, nhất là ra khu Lạch Dù chủ yếu vào các tháng biển êm. Đây cũng chính là thời gian dịch vụ du lịch lồng bè vào mùa cao điểm. Chỉ đến khi bước vào mùa gió, mưa bão (khoảng tháng 7 dương lịch), để đến với đảo đã là một thử thách lớn vì sóng và gió mạnh. Riêng khu Lạch Dù vào những tháng gió hầu như không đón khách. Những chủ lồng bè cũng luôn phải chực chờ, hồi hộp. Bởi những cơn áp thấp nhiệt đới hay bão có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, nguy cơ cuốn phăng bao tài sản, mồ hôi công sức của bà con có thể xảy ra như đã từng gặp những năm trước đó. Dù hoạt động du lịch lồng bè tại khu Lạch Dù - xã Tam Thanh thường chỉ hoạt động 6 tháng trong năm, nhưng đối với nhiều du khách gần xa, cũng như người dân địa phương đều cho rằng, đã đặt chân đến đảo mà không lên lồng bè quả là một thiếu sót lớn…

Du lịch Phú Quý hiện vẫn còn ở dạng tiềm năng, quy mô nhỏ lẻ và mang tính tự phát. Chính vì vậy, việc khai thác có hiệu quả những tiềm năng du lịch đặc sắc của khu vực, vừa đáp ứng nhu cầu tham quan nghỉ dưỡng của khách du lịch, vừa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phát triển bền vững cho đảo Phú Quý đang là mục tiêu hướng đến. Du lịch lồng bè ở Phú Quý hứa hẹn sẽ phát triển, nếu như địa phương tổ chức, quảng bá tốt hơn.

Ghi chép: Kiều Hằng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Xây dựng nền ngoại giao hiện đại và chuyên nghiệp
BTO-Sáng nay 6/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo Hội nghị tổng kết công tác ngành ngoại giao năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành. Tại điểm cầu Bình Thuận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ngành liên quan tham dự.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Du lịch lồng bè ở Lạch Dù