Tham gia ý kiến đối với Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông thống nhất cao với Tờ trình, Báo cáo thẩm tra của các cơ quan có liên quan.
![huu-thong.jpeg](https://bbt.1cdn.vn/2025/02/13/huu-thong.jpeg)
Góp ý tại Điều 14 về phân cấp cho chính quyền địa phương và Điều 15 đề cập đến việc ủy quyền cho chính quyền địa phương. Qua nghiên cứu nội dung liên quan đến phân cấp, uỷ quyền, đại biểu nhận thấy vẫn chưa có sự phân biệt rõ ràng những trường hợp nào sẽ thực hiện phân cấp và trường hợp nào thực hiện ủy quyền. Theo quy định của dự thảo luật, có hai tiêu chí để phân biệt giữa phân cấp và ủy quyền đó là hình thức văn bản và thời gian thực hiện. Tuy nhiên, trên thực tế, có thể phát sinh trường hợp thay vì thực hiện phân cấp, các cơ quan và cá nhân có thẩm quyền lại chọn phương thức ủy quyền. Nguyên nhân là do việc thực hiện phân cấp phải tuân thủ quy trình, thủ tục theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, dẫn đến mất nhiều thời gian. Trong khi đó, ủy quyền chỉ cần thực hiện bằng một văn bản hành chính đơn giản hơn.
"Vấn đề đặt ra là trong một số trường hợp, người có thẩm quyền cần thực hiện phân cấp nhưng lại chọn hình thức ủy quyền với thời gian kéo dài đến 3 năm hoặc 5 năm. Hiện nay, dự thảo luật chưa quy định cụ thể về thời gian tối thiểu hoặc tối đa của việc ủy quyền. Do đó, tôi đề nghị cần rà soát, phân định rõ ràng hơn về nội dung này" - Đại biểu Nguyễn Hữu Thông bày tỏ.
Tham gia góp ý về nội dung thứ hai, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị bổ sung từ “cá nhân” vào điểm b, khoản 2, Điều 15. Theo quy định tại khoản 1, Điều 15, việc ủy quyền có thể thực hiện cho cả tổ chức và cá nhân. Tuy nhiên, trong điểm b, khoản 2, chưa đề cập chủ thể là cá nhân. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung nội dung này để đảm bảo tính nhất quán.
Về Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đại biểu Nguyễn Hữu Thông tham gia góp ý về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương là hải đảo, được quy định tại khoản 3, Điều 25. Theo đó, chính quyền ở hải đảo có thể không thực hiện chính quyền cấp xã; thực tế hiện nay, một số huyện đảo không có cấp xã như huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Trước khi tham dự kỳ họp này, đại biểu đã nhận được kiến nghị từ chính quyền huyện đảo Phú Quý về việc nên bỏ cấp chính quyền cấp xã, nhiệm vụ của cấp xã giao cho chính quyền cấp huyện thực hiện. Đại biểu phân tích, đặc điểm của chính quyền hải đảo khác với chính quyền đất liền. Công tác quản lý nhà nước ở các huyện đảo không quá phức tạp, nhưng bộ máy tổ chức chính quyền hiện nay lại khá cồng kềnh. Ví dụ, huyện đảo Lý Sơn có diện tích khoảng 10km², còn huyện đảo Phú Quý khoảng 17km², nhưng bộ máy chính quyền lại có cả cấp huyện và cấp xã. Do đó, đại biểu cho rằng việc nội dung dự thảo luật tại khoản 3, Điều 25 thiết kế theo hướng giao toàn bộ nhiệm vụ của chính quyền cấp xã cho cấp huyện là phù hợp.
Liên quan đến vấn đề miễn nhiệm, bãi nhiệm, đại biểu Nguyễn Hữu Thông thống nhất với ý kiến của một số đại biểu phát biểu trước. Trên thực tế, vấn đề miễn nhiệm, bãi nhiệm vẫn còn nhiều bất cập. Đại biểu đề nghị cần thiết có một cơ chế “đương nhiên” khi điều động, chuyển công tác hoặc nghỉ hưu thì cần miễn nhiệm ngay mà không phải qua các thủ tục hành chính rườm rà.
Đối với Dự thảo Nghị quyết xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy, đại biểu Nguyễn Hữu Thông cơ bản thống nhất với dự thảo, đồng thời đồng tình với ý kiến của Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận Đặng Hồng Sỹ đã phát biểu trước đó. Đại biểu cho rằng, dù dự thảo nghị quyết đã được thiết kế chi tiết, nhưng khi triển khai trong thực tiễn có thể phát sinh nhiều tình huống phức tạp chưa lường trước hết được. Đại biểu Nguyễn Hữu Thông nêu ví dụ, hiện nay có sự sắp xếp lại nhiệm vụ giữa Sở Giao thông Vận tải và Sở Xây dựng, trong đó có nội dung cấp đổi giấy phép lái xe. Khi luật có hiệu lực, nhiệm vụ này được chuyển giao, nhưng chưa có quy định rõ ràng về việc ai sẽ tiếp tục cấp đổi giấy phép trong thời gian chuyển tiếp. Trong khi đó, giấy phép lái xe có thời hạn, nếu chậm trễ, người dân sẽ phải thi lại, gây tốn kém và bất tiện. Mặt khác, việc cấp giấy phép lái xe sử dụng phôi in theo mẫu của Sở Giao thông Vận tải, nhưng sắp tới nhiệm vụ này sẽ chuyển về cơ quan khác. Đại biểu băn khoăn, trong thời gian chuyển giao, sử dụng phôi cũ hay in phôi mới? Nếu không có hướng dẫn kịp thời, người dân có thể bị ảnh hưởng quyền lợi khi thực hiện các thủ tục hành chính.
Do đó, đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định chuyển tiếp để tránh ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong thực hiện thủ tục hành chính.