Theo dõi trên

Dưa lưới công nghệ cao “bén rễ”

17/04/2019, 08:19

BT - Trồng dưa lưới công nghệ cao trong nhà màng đang mở ra cho thủ phủ “rồng xanh” Hàm Thuận Nam thêm một loại cây trồng mới cho thu nhập tốt.

Trồng dưa lưới nhà màng

Tại Bình Thuận, dưa lưới vẫn còn là một loại cây trồng còn mới. Thời gian qua, một số địa phương Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình đã trồng thử nghiệm. Riêng tại Hàm Thuận Nam, dưa lưới “bén rễ” và được trồng trong hệ thống nhà màng công nghệ cao 2 năm nay, các trang trại trồng dưa lưới đều đánh giá: Đây là một cây trồng triển vọng! 

Dưa lưới công nghệ cao trang trại Bình An.

5 khu nhà màng trồng dưa lưới trên diện tích hơn 1 ha của trang trại Bình An đóng chân tại xã Thuận Quý được đầu tư bài bản. Hệ thống nhà màng ứng dụng công nghệ cao các công đoạn: công nghệ tưới tự động kết hợp bón phân, quy trình xử lý môi trường đất, vườn ươm, cây giống, chăm sóc đều theo tiêu chuẩn VietGAP…

Dẫn chúng tôi tham quan vườn, anh Dương Quốc Toàn - quản lý trang trại nói: Có 2 nhà màng lớn mỗi nhà màng rộng 2.400 m2 đã cho thu hoạch lứa thứ 3, còn lại 3 nhà màng mỗi nhà 1.800 m2 đang trong quá trình thả cây con xuống lứa mới. Thường thì  mỗi dây chỉ nên giữ 1 trái để quả đạt trọng lượng, chất lượng theo yêu cầu”. Mới chỉ trồng thử nghiệm 5 tháng, 3 lứa dưa lưới thu hoạch đều phát triển tốt, trọng lượng quả đạt từ 1,2 - 1,3 kg cũng như độ ngọt thanh. Dưa thu hoạch được các thương lái mua tại vườn với giá 35.000 - 40.000 đồng/kg.

Tiên phong trồng loại trái cây này phải kể đến trang trại Phúc An (xã Hàm Cường). Trên diện tích 3,2 sào, trang trại xây dựng 2 hệ thống nhà màng rộng 3.200 m2 trồng dưa lưới các giống TL3, AB - giống dưa chịu nhiệt độ cao lại có nhiều giá trị dinh dưỡng, giá thành cao thị trường tiêu thụ ổn định. Trong nhà màng kín, những hàng dưa thẳng tắp một màu xanh mướt, những trái dưa tròn lẵn, có vân lưới đẹp, độ lớn đồng đều trông bắt mắt. Kỹ sư trang trại Lưu Thị Thanh Nữ giải thích: “Qua thực tế, dưa lưới chỉ trồng thành công trong nhà màng áp dụng công nghệ cao giúp dưa cách ly tốt hơn với các loại côn trùng gây bệnh hay ứng phó trước thời tiết thay đổi thất thường, năng suất trái cao hơn, cho ra thị trường sản phẩm sạch”. Trong hệ thống nhà màng công nghệ cao, dưa lưới được chăm sóc theo quy trình tiêu chuẩn VietGAP. Đặc biệt, việc tưới nước được áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Netafim (Israel). Đây là hệ thống tưới nước tự động với phân bón được hòa sẵn vào trong nước giúp giảm thiểu chi phí nhân công, quản lý được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Cách tưới này cũng giúp cho chất dinh dưỡng từ phân bón và lượng nước cung cấp cho cây đến tận gốc, đáp ứng tốt cho từng giai đoạn sinh trưởng của cây. Trung bình từ 2,5 - 3 tháng dưa cho thu hoạch, mỗi năm canh tác 3 vụ, 1 sào cho 2,5 tấn quả. Theo tính toán của trang trại sau khi trừ chi phí cho lợi nhuận cao, thu hồi vốn nhanh. Tuy nhiên, mô hình trồng dưa lưới nhà màng công nghệ cao có chi phí đầu tư lớn và đầu ra vẫn còn khó khăn nên các trang trại cân nhắc chưa đầu tư mở rộng diện tích.

Ứng dụng công nghệ cao

Ông Nguyễn Văn Phúc -Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Hàm Thuận Nam nhận định: Đây là mô hình nông nghiệp công nghệ cao ứng phó biến đổi khí hậu vì kiểm soát được về môi trường và chế độ dinh dưỡng theo nhu cầu sinh trưởng dưa lưới trong nhà kính. Dưa lưới thích hợp khí hậu, thổ nhưỡng góp phần đa dạng thêm cơ cấu cây trồng và sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn. Về đầu ra cho dưa lưới, ông Phúc cũng thông tin: Đã có Công ty THHH Thép Tiên Phong đặt vấn đề ký kết hợp đồng tiêu thụ, huyện khuyến khích đầu tư dưa lưới công nghệ cao, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ tạo ra thêm sản phẩm lợi thế, an toàn thực phẩm.

    
        “Qua thực tế, dưa lưới chỉ trồng thành công trong nhà màng áp dụng công   nghệ cao giúp dưa cách ly tốt hơn với các loại côn trùng gây bệnh hay   ứng phó trước thời tiết thay đổi thất thường, năng suất trái cao hơn,   cho ra thị trường sản phẩm sạch” - kỹ sư Lưu Thị Thanh Nữ (trang trại   Phúc An).

Dưa lưới mọng nước, giàu vitamin, được gọi là loại dưa “vua” bởi cả giá trị dinh dưỡng và đặc điểm khó trồng ở điều kiện ngoài trời. Đặc biệt, trồng dưa lưới còn đòi hỏi kỹ thuật cao, nguồn vốn lớn từ khâu chuẩn bị khung nhà màng, mua giống, giá thể, điều hòa môi trường và dinh dưỡng theo từng giai đoạn sinh trưởng, cách tỉa cành, lá và tuyển chọn quả… Mặt khác, hiện nay nhà vườn trồng dưa lưới đều lệ thuộc vào thị trường đầu vào với các yếu tố: giống, giá thể, các chất dinh dưỡng đều phải mua chưa tự sản xuất được. Còn thị trường đầu ra, với giá bán tại vườn từ 35.000 - 40.000 đồng/kg, phần lớn bán qua thương lái nhập sỉ cho các doanh nghiệp chủ yếu Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh theo kiểu thuận mua vừa bán chứ chưa có hợp đồng ràng buộc. Với sản lượng ít như hiện nay đầu ra chưa thành vấn đề. Muốn mở rộng diện tích trồng dưa lưới thành cây hàng hóa lớn thì phải giải quyết một cách căn cơ vấn đề thị trường, đặc biệt là thị trường đầu ra. Cần có sự liên kết các chủ vườn, chính quyền huyện “bắt tay” trang trại cùng làm việc này. Dù mới ở diện tích còn khiêm tốn, nhưng thành công ở 2 mô hình trồng dưa lưới cho thấy vùng đất Hàm Thuận Nam nói riêng và Bình Thuận có thể trồng được các cây đòi hỏi công nghệ cao. Và phát triển nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi tất yếu. Càng sớm tổ chức được nông nghiệp công nghệ cao bao nhiêu càng nhanh chóng có lợi ích lớn bấy nhiêu. Cuối cùng là để có nông nghiệp công nghệ cao, phải tạo điều kiện để mời gọi đầu tư, cùng với đó là tổ chức thị trường cho nó.

Thanh Duyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Mang quà tết ra quần đảo Trường Sa
BTO-Chiều 26/12, tại thành phố Cam Ranh (Khánh Hòa), các tàu đi thăm, động viên, chúc tết quân - dân huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa bắt đầu vươn khơi. Những tàu ấy không chỉ có hàng hóa, nhu yếu phẩm mà còn mang theo tình cảm, sự quan tâm, nghĩa tình của nhân dân cả nước hướng về quần đảo Trường Sa – vùng biển đảo thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc...
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dưa lưới công nghệ cao “bén rễ”