Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron chiều 29/6 tại lâu đài Museberg, ngoại ô thủ đô Berlin, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, hai nước Đức và Pháp sẽ quyết tâm thúc đẩy tất cả các thành viên khác của EU đạt được đồng thuận về gói phục hồi kinh tế 750 tỷ euro được Uỷ ban châu Âu đề xuất hồi đầu tháng 6/2020.
Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: Reuters |
Hiện tại, sau 2 phiên thảo luận cấp cao trực tuyến, các nước vẫn chưa đạt được thoả thuận, do nhóm 4 nước phản đối là Áo, Đan Mạch, Thuỵ Điển và Hà Lan vẫn chưa đồng ý với phương thức phân bổ gói phục hồi 750 tỷ euro. Các nước này cho rằng việc một số nước nhận được tiền trợ giúp từ EU mà không có nghĩa vụ cụ thể về việc trả nợ là không hợp lý. Các nước này cũng phản đối việc đồng nhất nợ của khối.
Theo Thủ tướng Đức Angela Merkel, các cuộc họp trực tuyến hạn chế không gian thảo luận nên Hội nghị Thượng đỉnh EU vào hai ngày 17 và 18/7 tới tại Brussels sẽ là cơ hội tốt để nguyên thủ các nước trực tiếp thảo luận với nhau về gói phục hồi. Đây cũng sẽ là Thượng đỉnh EU đầu tiên mà các nguyên thủ trực tiếp có mặt ở Brussels sau hơn 3 tháng các nước châu Âu đóng cửa biên giới và thực hiện phong toả để ngăn đại dịch Covid-19.
Hiện Đức và Pháp đang tập trung nỗ lực thuyết phục Hà Lan, nước được cho là cứng rắn nhất trong nhóm phản đối. Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lần lượt có các cuộc thảo luận trực tiếp với Thủ tướng Hà Lan, Mark Rutte trong hai ngày 22/6 và 23/6.
Đối với ưu tiên hành động sắp tới của EU trong 6 tháng nước Đức giữ chức Chủ tịch luân phiên, bắt đầu từ 1/7, phía Đức cho biết 3 ưu tiên lớn nhất là nhanh chóng thông qua gói hồi phục và ngân sách châu Âu, giải quyết hồ sơ Brexit với Anh và điều chỉnh mối quan hệ với Trung Quốc.
Thủ tướng Đức Angela Merkel nhận định, trong bối cảnh này, sự đoàn kết Đức-Pháp càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết với châu Âu: “Các kỳ vọng vào châu Âu là rất cao và chúng tôi biết rất rõ rằng châu Âu không nhất thiết là luôn đoàn kết khi hai nước Đức Pháp nhất trí với nhau, nhưng nếu Đức và Pháp chia rẽ thì sự đoàn kết của châu Âu đặc biệt không tốt. Vì thế, khi Đức-Pháp đồng ý với nhau về nhiều vấn đề, chúng tôi sẽ đóng góp một động lực tích cực để châu Âu có một hướng đi đúng đắn trong tương lai”.
Quang Dũng/VOV