Theo dõi trên

Dựng rạp cưới trên đường: Không chỉ bị phạt…

13/01/2020, 10:01

BT- Bây giờ điều đó đã được đưa vào luật phải thực thi, bắt đầu từ năm 2020 thông qua Nghị định 100/2019/NĐ-CP, những ai dựng rạp cưới… vi phạm đất dành cho đường bộ sẽ bị xử phạt từ 2-6 triệu đồng.

 Đã không còn bình thường

Bây giờ đang là mùa cưới. Tại TP.Phan Thiết, bên cạnh các khách sạn có nhà hàng tiệc cưới đã kín lịch các đám cưới, các quán ăn có diện tích rộng, hội trường khu phố… được tận dụng làm luôn tiệc cưới, là vẫn còn nhà dân tổ chức tiệc cưới cho con tại nhà. Ở đô thị loại 2 như Phan Thiết mà vẫn còn rải rác chuyện lấn đường dựng rạp cưới thì cũng rất dễ hiểu vì sao tình hình trên diễn ra phổ biến ở các huyện. Cách xa gần 100 km như Tánh Linh, tại thị trấn Lạc Tánh hiện chưa có một nhà hàng tiệc cưới nào được xây dựng, dù nhỏ với sức chứa 200 - 300 khách đi nữa. Vì vậy, bao nhiêu năm qua, nơi đây việc tổ chức tiệc cưới luôn “dã chiến”. Những gia đình tổ chức đám cưới cho con tính toán lượng khách mời sẽ chọn địa điểm nào đủ rộng rồi đi mượn. Sau đó, tìm kiếm dịch vụ cho thuê rạp cưới, bàn ghế, dịch vụ nấu ăn cho đám cưới rồi thống nhất ngày giờ ráp vô và một đám cưới bất thình lình xuất hiện ở sân trường, ở sân vận động, ở trung tâm văn hóa hay nhà văn hóa xã, thôn… Còn chuyện tổ chức đám cưới tại nhà ở các xã trong huyện này thì phổ biến, hầu hết dựng rạp cưới trước nhà lấn thêm chút không gian của đường giao thông nông thôn. Huyện kề bên là Đức Linh cũng không tránh khỏi tình trạng trên, dù trên địa bàn huyện này đã có 2-3 nhà hàng tiệc cưới, trong đó có nhà hàng tiệc cưới đạt chuẩn 5 sao tại thị trấn Đức Tài được đánh giá là ăn nên làm ra.

Nhiều người nhìn nhận, bây giờ là thời đại 4.0 nhưng tình hình dựng rạp cưới trước nhà lấn chiếm đường còn nhiều, nhất là những đám cưới có số lượng khách dưới 500. Một phần vì tập quán người miền Trung là đám cưới phải gắn liền với nhà cửa, họ hàng, không muốn đi nơi khác. Phần khác vì đời sống khó khăn nên họ tính toán, nếu đãi tại nhà thì chi phí ít hơn… Điều này xuất phát từ việc ai đâu chê đám cưới, vả lại, đây là dịp hiếm hoi, mỗi gia đình chỉ tổ chức đám cưới cho con cao lắm 2 lần nên dựng rạp cưới trước nhà lấn chút đường cũng bình thường. 

Tuy nhiên, bây giờ điều đó đã được đưa vào luật phải thực thi, bắt đầu từ năm 2020 thông qua Nghị định 100/2019/NĐ-CP về việc xử phạt hành chính đối với vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Trong đó, tại khoản 5, điều 12 quy định mức phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng đối với cá nhân, 4 - 6 triệu đồng đối với tổ chức có hành vi vi phạm như: Dựng rạp, lều quán, cổng ra vào, tường rào hay công trình khác trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ.

Hướng đến đời sống văn minh

Những ngày mà Nghị định 100/2019 chuẩn bị có hiệu lực thì cũng là những ngày, một doanh nghiệp tại huyện Hàm Thuận Bắc nỗ lực hoàn thiện nhà hàng tiệc cưới đầu tiên tại thị trấn Ma Lâm, có sức chứa từ 700 - 800 khách, kịp đi vào hoạt động trướctếtnguyên đán Canh Tý. Ở huyện còn đậm tính chất thuần nông này, đó là sự mạnh dạn và chủ đầu tư cũng đã tính toán rằng giá cả đưa ra phù hợp mặt bằng chung của phần lớn người dân. Điều này hứa hẹn sẽ làm thay đổi phần nào đời sống văn hóa, cụ thể là cưới hỏi tại huyện này, vì lâu nay chuyện tổ chức đám cưới ở đây cũng đều phải tận dụng những công trình có chức năng khác và dựng rạp cưới trước nhà, chiếm một ít diện tích đường đi.

 Nói là thay đổi phần nào, vì còn tùy thuộc vào cự ly gần xa. Vì không ít người cho rằng, nếu gần nhà hàng tiệc cưới và nơi đó xứng tầm cho một đám cưới trang trọng, nhớ đời thì nhiều người cũng không tiếc cho ngày trọng đại chỉ có 1 lần trong đời. Ở góc độ này có thể thấy Tuy Phong là nơi có những nhà hàng tiệc cưới vừa nhiều, vừa hợp lý về cự ly cho dân ở các xã trong huyện muốn tổ chức ngày cưới đàng hoàng, lộng lẫy. Hiện ở 2 thị trấn là Liên hương, Phan Rí Cửa có 7 nhà hàng tiệc cưới có sức chứa từ 300 – 1.000 khách, có nghĩa người dân ở đây có thể lựa chọn nhà hàng nào phù hợp với đám cưới của con em mình, nhất là ở những xã lân cận như Phước Thể, Phong Phú, Phú Lạc, Chí Công. Còn ở một số xã cũng đã có nhà hàng tiệc cưới như Hòa Phú 1 nhà hàng, Hòa Minh, Vĩnh Hảo, mỗi nơi có 2 nhà hàng có sức chứa từ 500 - 600 khách cũng có thể phục vụ đám cưới cho người dân ở các xã bên.

Chưa bàn đến kinh doanh lời lỗ thế nào nhưng chính sự xuất hiện nhiều nhà hàng tiệc cưới ở đây thể hiện đời sống văn hóa trong cưới hỏi ở nơi đây đã văn minh. Văn minh ấy không chỉ thể hiện trong hình thức là đối đãi trân trọng đối với khách mời mà còn bảo đảm đồ ăn, thức uống vệ sinh an toàn cho sức khỏe. Vì chủ đầu tư nào đã bỏ ra tiền hàng tỷ đồng để xây dựng nhà hàng tiệc cưới cũng phải chú ý điều ấy để gầy dựng thương hiệu, nhất trong bối cảnh cứ lâu lâu lại nghe những đám cưới kiểu “dã chiến” bị ngộ độc thực phẩm…

HẢo Chi



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dựng rạp cưới trên đường: Không chỉ bị phạt…