Cánh võng giữa đêm
Đường hoa Xuân có thể nói là nét đẹp văn hoá trong hành trình vui Xuân của người dân . Thế nhưng, để có được hình hài đường hoa Xuân đẹp đẽ trong mắt bao người là những đêm đội ngũ công nhân thức trắng, chập chờn bên cánh võng để chợp mắt vội, là những khoảng không tư lự một mình trên bãi cỏ nhớ về gia đình trong cái tất bật trước thềm Xuân.
Gắn bó bao năm, với ba mùa đường hoa ở Phan Thiết, anh Phạm Ngọc Tịnh, cười cười: Quen rồi, năm nào cũng gắn bó nên mệt thì có nhưng chỉ muốn hoàn thành một cách trọn vẹn để bà con đi vui chơi. Sau đó, thì mình nghỉ ngơi.
Thợ sắt Trần Văn Lương - một người hàng xóm cũ của tôi. Anh Lương mấy năm nay xa quê làm ăn. Năm nay được Tuấn mời hỗ trợ đường hoa đã không ngần ngại quay về, rồi mấy tháng nay gắn mình với công xưởng, rời túc trực cho đến khi lắp ráp. “Lần đầu về làm cho quê mình, em cũng thấy vui, thấy hình hài đường hoa dần dần thành hình em cũng vui lắm, quên cả mệt”.
Đêm hôm qua gần 30 ngàn chậu hoa, cùng với lúa đã được sắp đặt theo từng khóm tiểu cảnh. Dù đã quá nửa đêm, nhưng nhịp độ vẫn không thay đổi, mỗi nhóm một phân cảnh. Cô giáo Thông Thị Lợi, đẩy từng xe rùa hoa xếp theo ý đồ của thiết kế, dưới sự chỉ dẫn của chỉ huy công trình. “Trường nghỉ rồi, nên em được giới thiệu làm thêm ở đây, đêm nay em tăng ca nên ở lại làm luôn chớ mọi hôm làm đến 23h30 em lại chạy về Ma Lâm”. Cô giáo Thông Thị Lợi đang là giáo viên Trường Tiểu học Lâm Giang, điều kiện gia đình cũng khó khăn nên qua sự giới thiệu, cô xuống làm thêm tại đường hoa để có thêm thu nhập. “Nay ở lại thì ngủ nghỉ ở đâu?”, tôi hỏi. “Hai chị em mắc võng ngủ dưới mấy tán cây, vậy chớ mát lắm anh, không có muỗi”. Nói rồi Lợi bốc từng chậu hoa để lên xe rùa đẩy đến lắp vào tiểu cảnh.
Chị Giao sau nhiều đêm thức ở công xưởng xuyên suốt, đến khi đường hoa mang ra lắp đặt gần như thấm mệt. Chị mắc cái võng dù giữa hai thân cây bên cạnh đường hoa tranh thủ chợp mắt. “Chị gắn bó với anh Tuấn 3 năm rồi, ảnh là người tử tế, làm vì thấy ảnh tâm huyết nên theo hỗ trợ, bản thân chị cũng thấy vui vì đóng góp chút gì đó cho mùa Xuân”. Không chỉ mình chị Giao, mà ở đường hoa còn có 2 đứa con của chị Giao theo mẹ xuống làm thêm. Sáu năm qua, chị Giao một mình nuôi 2 con với nhiều áp lực kinh tế, nên hễ có điều kiện làm thêm là chị nhận làm. “Nay 2 đứa nhỏ chạy về nhận học bổng hay quà tết gì á, tụi nhỏ nói vậy”. Chị Giao kéo chăn mỏng phủ kín đầu, như kịp che đi nỗi khắc khoải giữa đêm khuya.
Linh vật sẽ gây bất ngờ
Đường hoa Xuân Giáp Thìn sẽ chính thức đi vào hoạt động vào lúc 19h00 ngày 26 Âm lịch (tức 5/2/2024). Hơn 2 tháng nay, hơn 30 công nhân kỹ thuật cật lực trong từng khâu thiết kế, thi công, gia công, lắp đặt với mong muốn mang lại giá trị tinh thần cho người dân trong mỗi dịp Xuân về.
Ngoài cổng rồng uốn lượn dài 144 mét, với hiệu ứng chuyển đổi màu sắc khiến cho thân rồng thay đổi một cách tự nhiên, cảm giác cổng đường hoa lung linh như không khí mùa Xuân đang được hoà mình trong cảnh sắc của thiên nhiên. Điều chờ đợi nhất ở đường hoa Xuân chính là linh vật, chủ đề của năm. Đường hoa Xuân Giáp Thìn - Phan Thiết năm nay luôn được đón chờ với những điều bất ngờ và thú vị.
Họa sĩ Phạm Anh Tuấn, chia sẻ: “Mọi người sẽ bất ngờ với linh vật rồng năm nay. Mang một ý nghĩa khác biệt, vượt qua khó khăn để vươn lên tầm cao mới, hy vọng một thành phố trẻ có khát vọng để vươn lên”. Theo tiết lộ của họa sĩ Pham Anh Tuấn, linh vật rồng được đặt ở tiền sảnh đường hoa sẽ là hình ảnh rồng đạp mây bay cao với những màn phun lửa, thể hiện uy lực trong những tứ linh trong trời đất. Hiện đang là thời điểm nước rút để hoàn thiện những công đoạn cuối cùng để chính thức khai mạc chào đón người dân và du khách đến vui Xuân.