Phát biểu trước báo giới, Thủ tướng Slovakia Robert Fico cho biết, ông tôn trọng những nỗ lực của Liên minh châu Âu (EU) nhằm giảm sự phụ thuộc năng lượng vào các nước thứ ba, tuy nhiên đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) về việc cắt giảm năng lượng của Nga vào cuối năm 2027 sẽ tác động tiêu cực đến EU.
Ông Fico nhấn mạnh, Slovakia sẽ nỗ lực ngăn cản đề xuất này, bởi kế hoạch này sẽ khiến giá năng lượng tăng cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng cạnh tranh của khối vốn đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng kể từ năm 2022.
Đồng tình với quan điểm này, Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Hungary Peter Szijjarto nhấn mạnh, kế hoạch của EU về việc cắt giảm nguồn cung khí đốt từ Nga là một sai lầm nghiêm trọng và Hungary sẽ thực hiện các biện pháp mạnh mẽ nhất để phản đối kế hoạch này.

Thủ tướng Slovakia Robert Fico (Ảnh: Reuters).
Phản ứng trước các tuyên bố trên của Thủ tướng Fico và Bộ trưởng Peter Szijjarto, Ủy viên Năng lượng EU Dan Jorgensen cho biết, khác với các biện pháp trừng phạt, đề xuất lần này không cần sự đồng thuận tuyệt đối. Do vậy EU hoàn toàn có thể tiến hành kế hoạch trên ngay cả khi có sự phản đối của một số quốc gia thành viên. Tuy nhiên, EU sẽ hỗ trợ những quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng hơn trong quá trình thực hiện kế hoạch cắt giảm khí đốt của Nga.

Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Hungary Peter Szijjarto (Ảnh: AP).
Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) đã công bố lộ trình nhằm kết thúc hoàn toàn hoạt động mua bán khí đốt với Nga vào năm 2027. Kế hoạch này sẽ yêu cầu các công ty năng lượng EU chấm dứt các hợp đồng mới và các hợp đồng giao ngay ngắn hạn với các nhà cung cấp của Nga từ cuối năm nay, tiến tới việc ngừng toàn bộ hoạt động nhập khẩu khí đốt Nga vào cuối năm 2027.
Giới chuyên gia cho rằng, trong trường hợp buộc phải thực hiện kế hoạch cắt giảm khí đốt của EU, nhiều khả năng Slovakia và Hungary sẽ yêu cầu EU hỗ trợ tài chính để bù đắp chi phí chuyển đổi nguồn cung.