Theo quy định, tàu vận tải của các nước thành viên EU sẽ từ chối vận chuyển dầu Nga nếu mức giá vượt giá trần. Mức giá cụ thể sẽ được công bố trong vòng trừng phạt thứ 8.
Cộng hòa Síp, Hy Lạp và Malta đã lo ngại về tác động tiềm tàng của biện pháp này đối với ngành vận tải biển của họ, song EU được cho là đã cam kết đưa ra một số nhượng bộ.
Kế hoạch áp giá trần là một phần của vòng trừng phạt thứ 8 đối với Nga mà Brussels dự kiến áp đặt trong tuần này, liên quan đến cuộc xung đột Ukraine. Các đại sứ của EU đã đạt được thỏa thuận vào ngày 4/10 và dự kiến sẽ thông qua văn bản cuối cùng vào ngày 5/10.
Ba thành viên khu vực Địa Trung Hải là Cộng hòa Síp, Hy Lạp và Malta đã lo ngại về tác động của biện pháp này đối với giao thương hàng hải của họ, nhưng Brussels đã đưa ra một số nhượng bộ dưới hình thức “hệ thống giám sát” nhằm cung cấp các biện pháp giảm thiểu tác động của lệnh trừng phạt.
Hồi đầu tháng 9, Nga cảnh báo kế hoạch áp giá trần đối với xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga sẽ thất bại và chỉ đưa đến sự bất ổn tại Mỹ và các đồng minh. Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố phương Tây không hiểu rằng các biện pháp này cuối cùng sẽ tác động đến chính đất nước của họ.
EU đã cấm nhập khẩu than từ Nga và dự kiến sẽ cấm nhập khẩu dầu thô kể từ tháng 12 tới. Các biện pháp trừng phạt Nga đã khiến EU phải đối mặt với tình trạng thiếu năng lượng trầm trọng. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo của khối đã tuyên bố sẽ hỗ trợ Ukraine vô thời hạn.
Hồng Anh - Thứ Tư, 10:00, 05/10/2022