Ông Nguyễn Anh Đức giới thiệu sản phẩm gạo hữu cơ Đức Lan. |
Khẳng định thương hiệu
Đã đến Tánh Linh, hầu như ai cũng nghe nhắc đến gạo Đức Lan, và không quên mua về vài chục ký để thưởng thức và làm quà tặng. Quả vậy, thương hiệu này gắn với logo chỉ dẫn địa lý “Gạo Tánh Linh” sau bao thăng trầm, dày công gầy dựng, nay đã vào tận bếp của không ít gia đình, không chỉ riêng tại địa phương mà còn mở rộng ra tại Phan Thiết và những vùng lân cận.
Ngày cuối tháng 8/2019, tôi có dịp ghé thăm HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Bình. Đó cũng là căn nhà khá khang trang của vợ chồng ông Đức - Lan đang sinh sống ngay cạnh trung tâm xã. Vẫn dáng vẻ vất vả, tất bật của một nông dân chính gốc, ông Đức giới thiệu cho tôi hàng chục bao gạo được đóng gói đẹp mắt (5 kg/bao) được xếp ngay ngắn trong phòng khách của gia đình.
Ông Đức cho hay, hiện HTX đang sản xuất 15 ha lúa hữu cơ, với 4 loại gạo, gồm gạo thơm đặc sản 28.000 đồng/kg, gạo đặc sản 26.000 đồng/kg, thơm Đài Loan 25.000 đồng/kg và gạo dẻo 17.000 đồng/kg. Mặc dù so với các loại gạo ngoài thị trường, gạo hữu cơ có giá bán cao hơn nhưng vẫn thu hút nhiều người mua, nhờ chất lượng và an toàn. Ông Đức khẳng định, sản xuất lúa hữu cơ không khó, nhưng để có được hạt gạo chất lượng, an toàn và giá bán khá, tốn rất nhiều công sức chăm sóc. Bởi lý do này, nên ngay tại HTX của ông đã có vài thành viên bỏ cuộc, hiện chỉ có 3 hộ sản xuất theo mô hình này.
Quảng bá để vươn xa
Số điện thoại được in sẵn ngay trên bao bì, hàng ngày ông đều nhận được những cuộc gọi đến đặt hàng, hoặc thắc mắc về chất lượng, xuất xứ của sản phẩm. Chiếc xe honda là phương tiện ông dùng để chở gạo đến giao ngay phạm vi huyện Tánh Linh. Còn những mối đặt hàng ở TP. Hồ Chí Minh, Phan Thiết… ông Đức đứng ra giao dịch qua bưu điện hoặc xe khách, giao đến tận nhà cho khách hàng.
Mới đây có khách hàng gọi điện đến phản hồi tốt khi thưởng thức gạo Đức Lan do một người quen gửi tặng. Cảm nhận được vị thơm, ngon, dẻo nhẹ từ loại gạo này, nhất là sản xuất hữu cơ, vị khách đến từ Phan Thiết đã lần theo số điện thoại ghi trên bao bì để gọi tìm hiểu thêm về chất lượng và điểm mua gần nhất. Ông Đức chia sẻ thêm: HTX bình quân mỗi năm sản xuất 2 vụ, với sản lượng từ 70 - 80 tấn/năm. Hiện tại sản lượng gạo cũng chỉ đủ đáp ứng thị trường lân cận. Do năm nay hạn hán kéo dài, thiếu nước, thời tiết diễn biến phức tạp nên gia đình ông và các thành viên HTX không sản xuất vụ hè thu. Bởi theo ông, ngoài năng suất kém (chỉ từ 3 - 5 tạ/sào), việc thu hoạch vào thời điểm này sẽ mưa nhiều, không có nắng, chắc chắn ảnh hưởng đến chất lượng gạo, không dẻo thơm như những lứa trước. Chính vì vậy, chúng tôi thà làm ít nhưng chất lượng để giữ lấy thương hiệu gạo Đức Lan đã dày công gầy dựng suốt 3 năm nay.
Vụ mùa 2019 tới đây, HTX dự kiến mở rộng thêm 2 ha, sản xuất theo mô hình SRI (tiết kiệm phân, giống, nước…), sản xuất giống và gạo hữu cơ. Tâm tư hiện nay của HTX là chưa được chứng nhận VietGAP, do chưa có máy xay gạo (phải chở lúa đi xay ở xã khác) và thiếu khu ruộng đồng bộ. Hơn lúc nào hết, ông và các thành viên HTX rất mong muốn được chính quyền địa phương và đơn vị liên quan hỗ trợ HTX có được chứng nhận VietGAP. Qua đó, mới có thể khẳng định chất lượng gạo an toàn hữu cơ, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Ước mơ mang thương hiệu “Gạo Đức Lan” vươn xa vẫn luôn ấp ủ đối với nông dân Nguyễn Anh Đức…
“Dù sản lượng thấp hơn gạo bình thường, nhưng nhờ giá bán cao, nên sản xuất gạo hữu cơ vẫn có lãi khá hơn sản xuất lúa thông thường”, ông Đức khẳng định. |
Kiều Hằng