Theo dõi trên

Giã cào bay và dự án treo làm “nóng” nghị trường

07/12/2016, 15:54

BTO - Vấn đề giã cào bay làm “nóng” nghị trường khi mở đầu cho  phiên chất vấn sáng nay (7/12). Nhiều đại biểu   đặt vấn đề gay gắt về tình trạng giã cào bay luôn diễn biến phức tạp nhưng vẫn chưa được hạn chế mặc dù tỉnh đã chỉ đạo xử lý quyết liệt. Giám đốc Sở NN&PTNT  Mai Kiều cho biết: Để giải quyết tình trạng này, tỉnh đã mạnh dạn ban hành QĐ 61 nghiêm cấm không cho hành nghề giã cào bay từ tháng 3 đến tháng 7 hằng năm.

Có hay không tình trạng bao che?

Đại biểu (ĐB) Phạm Thị Minh Hiếu đặt vấn đề: tình trạng giã cào bay trái tuyến hầu như lúc nào cũng bức xúc, bà con luôn kiến nghị. Rất thống nhất với các giải pháp của ngành NN&PTNT. Đề cập đến việc trang bị thêm phương tiện, lực lượng, ĐB Hiếu cho biết: Cần phải tăng thêm tàu lớn, kinh phí hoạt động. Mỗi chiếc tàu lớn 6 - 7 tỷ đồng, ngân sách tỉnh không thiếu, làm sao để xử lý nghiêm, hạn chế tình trạng này. Người dân luôn đặt câu hỏi, có hay không tình trạng bao che cho giã cào bay hoạt động? Vì thế ngành chức năng không thể trả lời chung chung như thế được.

ĐB Lương Thanh Sơn.

Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Toàn Thiện nói thêm: Thực tế chưa có biện pháp nào tháo gỡ. “Một người đi ăn trộm, người bắt trộm, toàn bàn phương pháp bắt trộm mà không đề cập đến giải pháp chống trộm”. ĐB Lương Thanh Sơn (Phan Thiết): Mong muốn có giải pháp mới hơn “trị” giã cào bay. ĐB đề xuất giải pháp: nên giám sát hành trình tàu giã cào bay. Trong khi đó, ĐB Huỳnh Thị Hoa thì cho rằng: Ngư dân làm ven bờ chủ yếu là ngư dân nghèo, giã cào bay đã cào những nồi cơm, học phí, quần áo, sách vở của con em họ. Mức độ giã cào bay ngày càng nghiêm trọng, phức tạp nhưng việc xử lý vi phạm lại giảm đi 10 vụ. 

Phải xử lý về mặt hình sự

Xem đây là vấn đề lớn, ĐB Phạm Thật (Phó GĐ Công an tỉnh) nêu: Giã cào bay là hành vi trộm tài nguyên, phải xử lý nghiêm về mặt hình sự. Tham mưu chính phủ nên  cấm, vì đây là một phương tiện làm cạn kiệt, tận diệt tài nguyên trong khi toàn dân đang ra sức bảo vệ tài nguyên. Giải pháp tốt nhất là nên cấm, không cần phải đầu tư thêm phương tiện để chống giã cào bay, sẽ tốn kém.

ĐB Mỹ Hạnh (Phan Thiết): Năm nào cũng đề cập giải pháp, cũng thực hiện kiểm tra, xử phạt, nhưng hiện giải pháp chưa được kịp thời. Phải có giải pháp mạnh hơn, cấm và có biện pháp xử lý một cách triệt để.

ĐB Lợi (Phú Quý) thắc mắc kỳ họp trước, Sở có đề cập phối hợp lực lượng kiểm ngư TW để kiểm tra, nhưng vẫn chưa thấy động thái nào?

ĐB Lê Hồng Lợi

Qua nghe các ý kiến chất vấn, Giám đốc Sở NN&PTNT  Mai Kiều cho biết: Hiện có bất cập rất lớn về kinh phí, phương tiện, không riêng gì Bình Thuận mà ở các nước ngoài, việc giã cào bay cũng rất phức tạp. Không phải dễ để Sở NN&PTNT ban hành QĐ 61, chỉ có riêng ở Bình Thuận. Hiện Sở đang kiến nghị cấm toàn quốc, Bộ NN&PTNT  đang nghiên cứu, chưa dám cấm. Về giám sát hành trình giã cào bay chỉ thực hiện được trong tỉnh thôi, không thể giám sát các tàu khác ở các tỉnh được. Lực lượng kiểm tra luôn bị theo dõi, rất khó thực hiện.

ĐB Huỳnh Hoa (Phan Thiết) cho biết: Nếu khai thác hoạt động đúng tuyến thì không hiệu quả, buộc phải hoạt động sai tuyến mới có lợi nhuận. Chính vì vậy nên tình trạng giã cào bay luôn tồn tại. Đề cập vấn đề tuyên truyền, rất khó hiệu quả vì những đối tượng giã cào bay thường không tham dự.

ĐB Huỳnh Thị Hoa

Hiến kế giải pháp cho vấn đề này: ĐB Toàn Thiện nêu: Bình Thuận có cấm thì các tỉnh khác vẫn tới khai thác, rất khó.

Không có dự án treo, nhưng lại có nhiều dự án không hoạt động?

GĐ Sở KH&ĐT Lê Tuấn Phong cho biết theo rà soát  Luật Đất đai năm 2013 đến nay,  tỉnh không có dự án treo trong nguồn vốn ngân sách.

ĐB Đỗ Văn Chung (huyện Tuy Phong) cho biết:Theo trả lời của giám đốc sở KHĐT, trên địa bàn tỉnh không có dự án treo là không đúng.   Thực tế có dự án kéo dài nhiều năm, đặc biệt có dự án kéo dài 5 năm, 10 năm thậm chí còn hơn nữa. Đề nghị nói rõ hơn những quyền lợi của người dân được hưởng sau khi xóa khỏi vùng dự án treo.

ĐB Lê Nghiễm Vy (Tuy Phong) cũng không đồng ý vấn đề này. Cụ thể dự án khu dân cư khu phố 5, Hòa Phú (Tuy Phong) đã 6 đến 10 năm không triển khai, vậy có phải là dự án treo hay không? Vấn đề đảm bảo quyền lợi của người dân trong vùng quy hoạch treo như thế nào?

ĐB Nguyễn Toàn Thiện.

ĐB Toàn Thiện cũng đặt vấn đề: Làm quy hoạch nhưng chưa có khả năng xem xét, làm tràn lan, không đánh giá được hiệu quả kinh tế? Vườn bông khu vực Bảo tàng HCM (Phan Thiết) có thuộc dự án treo hay không?

Giám đốc Sở KHĐT cũng thừa nhận trên thực tế có nhiều dự án kéo dài nhiều năm, do chưa có khả năng cân đối vốn. Nhưng căn cứ vào Luật Đất đai mới thì chưa đủ thời hạn “treo”. Tuy nhiên, hiện có dự án đang triển khai xây dựng kéo dài do ảnh hưởng vốn và công tác đền bù. Việc quy hoạch tổng thể ở các dự án trên địa bàn tỉnh cũng có vấn đề, nhất là tính hiệu quả kinh tế tại địa phương.  ĐB Phạm Thị Minh Hiếu (Phan Thiết) nói thêm:  Rà soát theo Luật Đất đai năm 2013 đến nay, nên tỉnh không có dự án treo trong nguồn vốn ngân sách. Điều này cần phải rà soát lại, đủ nguồn vốn đầu tư thì đưa vào, tránh tình trạng làm ảnh hưởng đến đời sống người dân vì dự án treo.

ĐB Phạm Thị Minh Hiếu.

 “Bình Thuận này, chỉ tới chỗ nào cũng quy hoạch. Đây là sự thật, người dân phản ứng rất gay gắt. Phải có giải pháp hữu hiệu sớm để giải tỏa vấn đề này. Có thể cùng một lúc chưa làm được, cần phải có lộ trình”, ĐB Phạm Thật bức xúc nói.

ĐB Thiện nói thêm Quy hoạch treo gây thiệt hại cho dân. Như vậy, chủ dự án có chịu trách nhiệm với dân hay không?

ĐB Nghiễm Vy: Dự án quy hoạch treo đã bị xóa, người dân có được tháo gỡ theo hay không? Hay là vẫn phải bị “tê liệt” các quyền lợi như bán, sửa chữa nhà, vay tiền, tách thửa…

 Giám đốc Sở KHĐT Lê Tuấn Phong tiếp thu những ý kiến và cho biết, thời gian tới sẽ hủy bỏ những dự án nhiều năm đã có chủ trương mà chưa có kế hoạch vốn

K.Ngọc, ảnh: Đ.Hòa



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giã cào bay và dự án treo làm “nóng” nghị trường