Theo dõi trên

Giá cát xây dựng tăng: Khan hiếm nguồn cung hay trục lợi?

04/05/2017, 09:28

BT- Hơn 1 tháng qua, sau khi Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan mở đợt cao điểm đấu tranh chống “cát tặc”, tình hình khai thác cát trái phép tại nhiều địa phương đã dần lắng dịu. Bình Thuận cũng tăng cường siết chặt hoạt động khai thác cát, khiến nguồn cung giảm, giá cát xây dựng theo đó đã có sự “leo thang”. Câu hỏi được người tiêu dùng đặt ra là có hay không việc các đơn vị, cá nhân kinh doanh cát xây dựng dựa vào chủ trương này của Chính phủ để trục lợi bằng cách găm hàng làm giá, khiến giá cát xây dựng trên thị trường lên cơn “sốt”?

                
Một điểm khai thác cát trái phép.

Cơn “sốt” giá cát hiện đã lan rộng trong phạm vi cả nước. Tính đến thời điểm này, giá cát vàng xây tô đã tăng gấp đôi so với cùng thời điểm tháng trước; giá cát đen cũng tăng 20 - 30% so với tháng trước, cát bồi nền từ 200.000 - 300.000 đồng/m3. Nguyên nhân giá cát tăng mạnh trong thời gian qua, theo các nhà cung cấp là do nguồn cung khan hiếm. Tuy nhiên, nhiều người nghi ngờ đây chỉ là chiêu tung hỏa mù để trục lợi của phía các nhà cung cấp. Thực tế nguồn cung tuy có giảm ít nhiều so với trước đó bởi hoạt động khai thác cát trái phép bị siết chặt, song không thể là lý do chính khiến giá cát liên tục “leo thang”. Giá cát tăng mạnh trong thời gian qua chắc chắn có nguyên nhân từ yếu tố đầu cơ, làm giá của phía các nhà cung cấp, đầu nậu.

Chủ trương mở đợt cao điểm đấu tranh chống “cát tặc” của Chính phủ là hoàn toàn đúng nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên này. Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), tổng lượng tài nguyên cát trên cả nước ước tính chỉ còn khoảng hơn 2 tỷ m3. Năm 2016 vừa qua, khối lượng cát đáp ứng nhu cầu xây dựng là khoảng 130 - 140 triệu m3; dự báo đến năm 2020 và những năm tiếp theo, khối lượng cát đáp ứng nhu cầu xây dựng sẽ tăng lên từ 180 - 190 triệu m3/năm. Về lâu dài, nguồn tài nguyên cát đáp ứng nhu cầu xây dựng các công trình trong nước sẽ cạn kiệt nếu không có một chiến lược khai thác bền vững ngay từ bây giờ.

Bên cạnh bảo vệ nguồn tài nguyên, chủ trương của Chính phủ về đấu tranh chống “cát tặc” còn nhằm bảo vệ bờ các con sông trước tình trạng xâm thực nặng nề do nạn khai thác cát trái phép gây ra. Tại nhiều địa phương trong nước, thời gian qua đã có hàng ngàn ha đất cùng nhà cửa, vật liệu kiến trúc trên đất ven sông đã bị cuốn trôi. Bên cạnh việc thay đổi dòng chảy, thời tiết cực đoan, còn có sự tiếp tay của “cát tặc”. Tại Bình Thuận, thời gian gần đây, tình hình khai thác cát trái phép ở các huyện vẫn còn nóng bỏng khi mùa xây dựng đang vào thời điểm “chín rộ”. Do đó, Giám đốc Sở TN&MT đã đề nghị các đoàn kiểm tra của huyện tăng cường lực lượng quản lý thị trường, công an, phòng TN&MT thường xuyên kiểm tra việc vận chuyển, tàng trữ khoáng sản không rõ nguồn gốc, xử lý nghiêm đối tượng khai thác trái phép, bảo vệ công chức khi thi hành nhiệm vụ. Theo đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp Sở TN & MT, UBND các huyện, thị, thành phố rà soát nhu cầu sử dụng khoáng sản trong tỉnh, đưa vào quy hoạch khoáng sản đến 2020. Sắp tới, 23 điểm khai thác các loại vật liệu xây dựng thông thường sẽ được trình ra HĐND tỉnh, làm cơ sở cho việc đấu giá quyền khai thác mỏ.

 Chủ trương siết chặt việc khai thác cát xây dựng của Chính phủ là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, nếu có sự lợi dụng chủ trương này để găm hàng làm giá thì rõ ràng đây là tiền lệ xấu, đang bị một số ít người lợi dụng để trục lợi. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương và các ngành liên quan cần nhanh chóng vào cuộc làm rõ nguyên nhân để kịp thời ngăn chặn.

M.V



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận
Đờn ca tài tử Nam bộ (ĐCTTNB) được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại năm 2013. Bình Thuận là 1 trong 21 tỉnh, thành phố có di sản nghệ thuật đờn ca tài tử, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng vị thế của Bình Thuận trong khu vực và cả nước.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giá cát xây dựng tăng: Khan hiếm nguồn cung hay trục lợi?