Theo dõi trên

Giả danh người khác mượn tiền - chiêu trò lừa đảo phổ biến

01/12/2021, 06:36

BT- Dù đã thông báo trên trang cá nhân cho bạn bè biết có kẻ xấu giả danh mình nhắn tin vay tiền qua mạng xã hội để phòng tránh, nhưng nhiều người bị kẻ xấu giả danh vẫn lo lắng.

Chị Nguyễn Thu Loan, 36 tuổi làm nghề kinh doanh hàng ẩm thực ở phường Hàm Tiến là điển hình. Chị đã đến công an trình báo về việc mình bị kẻ xấu giả danh đi mượn tiền bạn bè qua mạng xã hội. “Sợ bạn bè hiểu nhầm đi vay, mượn tiền lung tung và nó tiếp tục đi lừa người khác, nên  chị đến báo công an”, Loan chia sẻ.

Trước đó, Tuyen Nguyen, Nguyên Thi My H – những người bạn của chị thông báo, có người giả danh facebook của chị hỏi mượn tiền họ. 2 bạn này là trong số hàng trăm bạn bè trên trang facebook của Loan. Tuyen Nguyen cho biết: Lúc đầu mình tưởng Loan hỏi mượn 5 triệu đồng là thật, nhưng do đang khó khăn nên mình cũng không có tiền cho mượn. Rồi facebook đó biến mất luôn, sau đó mình mới phát hiện giả danh.

Trường hợp chị Loan không phải duy nhất, mà rất nhiều người khác cùng tâm trạng trong thời gian gần đây bị kẻ xấu giả danh nhắn tin mượn tiền. Hà Ngân ở La Gi cho biết: Nhiều người bạn của mình bị mất tiền, người 3 triệu đồng, người 2 triệu đồng... Mấy ngày qua Ngân lo ngại mọi người nghĩ mình đi mượn tiền và nhờ bạn bè loan báo giúp rằng có người giả danh mình đi mượn tiền. Nếu các bạn ấy không gọi điện đến nói về việc mượn tiền thì mình không biết, Ngân nói thêm.

Trò lừa này không mới, nhưng không ít người vẫn bị lừa vì kẻ xấu luôn tìm cách, đánh vào tâm lý những bạn bè, người thân để vay mượn. Trước tình hình đó, có người đã báo với công an để điều tra, làm rõ và bắt giữ nhiều đối tượng lừa đảo ở  các tỉnh Thanh Hóa, Đắk Lắk.

Bộ Công an cảnh báo, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tình hình tội phạm gia tăng. Trong đó, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng như hack tài khoản Zalo hay lập tài khoản giả mạo bằng cách lấy hình ảnh nạn nhân, lập nick, kết bạn để lừa đảo.

Cách thức của bọn chúng, sau khi hack được một tài khoản facebook, các đối tượng lừa đảo nghiên cứu kỹ thông tin cá nhân, sở thích, lịch sử trò chuyện với bạn bè của chủ Facebook bị hack và dựa trên các thông tin đó sẽ giả là chủ của tài khoản Facebook bị hack gửi tin nhắn trò chuyện với những người có quan hệ gia đình, làm ăn thân thiết với chủ Facebook, để thực hiện các hành vi lừa đảo phổ biến như vay tiền, nhờ mua đồ, mua thẻ điện thoại; nói mình mới mua nhà, bất động sản, xe hơi ở nước ngoài nên thiếu tiền và cần vay tiền gấp để đặt cọc...

Để tránh bị lừa đảo, cơ quan công an cảnh báo đến người dùng facebook cần nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn nhắn tin vay tiền, nhờ mua đồ, mua thẻ điện thoại trên facebook. Khi gặp các tình huống này, cần gọi điện thoại trực tiếp cho chủ tài khoản facebook để xác minh thông tin và nội dung trao đổi. Người dùng chỉ đăng nhập tài khoản trên website chính thức của facebook; tuyệt đối không đăng nhập vào các trang website nghi vấn hoặc yêu cầu đăng nhập tài khoản một cách bất thường. Ngoài ra, người dùng nên cài đặt mật khẩu facebook có yếu tố bảo mật cao; hạn chế sử dụng các thông tin như họ tên, biệt danh, ngày tháng năm sinh để cài đặt mật khẩu; luôn cài đặt mã xác thực 2 yếu tố qua điện thoại hoặc hòm thư điện tử tin cậy; cài đặt cảnh báo đăng nhập, để kịp thời phát hiện các đăng nhập từ thiết bị bất thường... không để các đối tượng lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Lê Ninh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giả danh người khác mượn tiền - chiêu trò lừa đảo phổ biến