Thời gian gần đây, giá phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên thị trường tăng cao hơn so mọi năm, nhất là các loại phân bón vô cơ. Hiện nay, một số loại phân bón được bán tại cửa hàng với giá như Urê trên 16.000 đồng/kg, NPK 20 – 20 – 15 là 18.000 đồng/kg, Kali 14.000 đồng/kg. Nếu so với giá đầu năm 2020, Urê chỉ có giá 7.600 đồng/kg, NPK 20 – 20 – 15 là 12.000 đồng/kg, Kali 7.600 đồng/kg… Thực trạng tăng mức giá đầu vào sản xuất nông nghiệp quá cao đối với mặt hàng phân bón, trong khi giá cả nông sản lại bấp bênh do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khiến hầu hết hộ nông dân đều lo lắng. Đơn cử, hộ bà Nguyễn Thị Hoa, xã Hàm Liêm, Hàm Thuận Bắc có hơn 1.000 trụ thanh long và 2 sào lúa. Tuy nhiên, đến thời điểm này đã vào vụ nghịch nhưng vẫn chưa đầu tư chong đèn, đầu tư phân bón vì giá đầu vào quá cao, trong khi giá thanh long thấp.
Theo tìm hiểu, giá phân bón và thuốc BVTV tăng cao do một số nguyên nhân như dịch Covid-19 được kiểm soát ở mức độ nhất định tại các thị trường lớn như Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Quốc… đã khiến nhu cầu đối với các mặt hàng phục hồi rất nhanh. Thời điểm này, không chỉ phân bón, thuốc BVTV mà hầu hết các mặt hàng cơ bản như sắt thép, than đá, xăng dầu, gas, thức ăn chăn nuôi đều tăng giá rất mạnh.
Tại Bình Thuận, vấn đề phân bón tăng giá đã được rất nhiều cử tri phản ánh đến các cấp chính quyền, địa phương. Đồng thời, bà con kiến nghị tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát về giá bán và chất lượng các loại vật tư, phân bón, thuốc BVTV. Lý do, hiện nay tình trạng phân bón giả còn nhiều, giá một số loại phân, thuốc BVTV tăng lên gần gấp đôi so với trước, ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh tế của người dân.
Có thể nói, thị trường hàng hóa thế giới đang hình thành mặt bằng giá mới. Giá các loại nguyên, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất phân bón đều tăng rất mạnh trong thời gian qua dẫn đến giá thành phân bón cao. Mặt khác, dịch Covid – 19 đang diễn biến phức tạp đã tác động lớn đến chuỗi cung ứng hàng hóa trong nước, làm tăng chi phí vận chuyển, giá thuê công nhân, góp phần làm tăng giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Tất nhiên người tiêu dùng, nhất là các hộ dân sản xuất nông nghiệp vẫn luôn là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Ông Đỗ Văn Bảo - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cho biết, vừa qua chi cục đã thực hiện thanh tra, kiểm tra các cửa hàng buôn bán phân bón, thuốc BVTV và giống cây trồng trên địa bàn tỉnh. Qua kết quả thanh tra, kiểm tra cho thấy các cửa hàng đều niêm yết giá bán từng sản phẩm phân bón, thuốc BVTV, giá bán và giá nhập của các sản phẩm chênh lệch khoảng 10% tùy theo hình thức bán ghi nợ hoặc tiền mặt.
Trong tình hình hiện nay, để giảm chi phí đầu tư và tăng giá trị sản xuất, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân nên thực hiện sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối, bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí. Mặt khác, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ để giảm áp lực cho phân vô cơ và tăng cường sử dụng thuốc BVTV sinh học thay thế thuốc hóa học...
Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cho biết, với chức năng quản lý nhà nước về phân bón và thuốc BVTV, từ năm 2017 đến nay, chi cục đã tổ chức 34 cuộc thanh tra các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân bón, BVTV đối với 1.677 lượt cơ sở. Qua đó, lấy 182 mẫu phân bón và 37 mẫu BVTV phân tích chất lượng. Qua thanh tra đã phát hiện 225 lượt cơ sở vi phạm với tổng số tiền thu phạt vi phạm hành chính nộp cho ngân sách nhà nước trên 973 triệu đồng. |
Kiều Hằng