Đặc biệt, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đề cập toàn diện và cụ thể, chi tiết hơn về vấn đề bảo vệ môi trường. Tiếp tục khẳng định quyền được sống trong môi trường trong lành là quyền lợi chính đáng của người dân, đó là “lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe của nhân dân là mục tiêu hàng đầu, kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái”. Nâng cao chất lượng môi trường không khí, có biện pháp hạn chế ô nhiễm tiếng ồn, xử lý rác thải ở các đô thị, khu vực đông dân cư, đồng thời nhấn mạnh an ninh môi trường là bộ phận của an ninh quốc gia, coi bảo vệ môi trường là nhiệm vụ của toàn xã hội, nhà nước đóng vai trò chủ đạo.
Từ những quan điểm, nhận định về bảo vệ môi trường và an ninh môi trường, hệ thống chính sách, pháp luật về môi trường trên địa bàn tỉnh đã được cụ thể hóa và hoàn thiện. Trong thời gian qua, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường công tác bảo vệ môi trường tại các khu, cụm công nghiệp và trong hoạt động khai thác khoáng sản, các khu du lịch. Đồng thời, chỉ đạo khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các địa phương, kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu phế liệu, ngăn chặn suy thoái các hệ sinh thái, suy giảm các loài và nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường… Theo đó, cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến các địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường. Các nguồn gây ô nhiễm môi trường từng bước được kiểm soát, xử lý, các loại rác thải được thu gom, xử lý, tình trạng vứt rác thải, đổ nước thải ra môi trường có phần giảm, môi trường không khí ổn định. Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài tại một số cơ sở sản xuất đã được chấm dứt, không phát sinh điểm nóng mới hoặc cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân từng bước được nâng lên. Các hoạt động, mô hình thu gom, xử lý rác thải ở cộng đồng được triển khai tích cực, có sự đồng thuận và tham gia hưởng ứng của nhân dân. Hạ tầng về bảo vệ môi trường được quan tâm đầu tư, nhất là hạ tầng đường giao thông đô thị, nông thôn, hệ thống thoát nước khu dân cư. Môi trường du lịch được cải thiện, thu hút và tạo điều kiện thuận lợi các dự án đầu tư phát triển du lịch, công tác bảo vệ môi trường tại các khu du lịch được chú trọng, nhất là khu du lịch Hàm Tiến – Mũi Né, các dự án đầu tư mới có hệ thống thu gom, xử lý nước thải, rác thải, công tác trồng, bảo vệ rừng phòng hộ ven biển được quan tâm nhằm ngăn chặn các hoạt động gây sạt lở đất, xâm nhập mặn. Bố trí hợp lý, hiệu quả các dự án đầu tư dịch vụ du lịch ven biển trên cơ sở khoanh vùng, bảo vệ rừng, bảo vệ bãi cát chắn sóng ven bờ, chống sự xâm nhập của nước biển, rác thải dọc các tuyến giao thông, khu du lịch được quan tâm thu gom, xử lý.
Để bảo đảm an ninh môi trường trên địa bàn tỉnh rất cần sự triển khai đồng bộ, thống nhất, thường xuyên và lâu dài các giải pháp hữu hiệu nhất. Theo đó cần phải thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về môi trường, trọng tâm là hoàn thiện và duy trì nghiêm hiệu lực thực tế của hệ thống pháp luật về môi trường, bổ sung những quy định mới nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội mới phát sinh trong quản lý nhà nước về an ninh môi trường. Nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo kịp thời, chính xác các hiện tượng khí tượng thủy văn, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Tăng cường đánh giá tác động môi trường đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát, phòng ngừa và xử lý nghiêm tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường… Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo yêu cầu phát triển, sản xuất và tiêu dùng bền vững, xanh, sạch hơn và thân thiện với môi trường. Khuyến khích và hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại trong sản xuất, kinh doanh nhằm tiết kiệm nhiên liệu, giảm phát thải ô nhiễm môi trường; xử lý rác thải, nước thải, khí thải gây ô nhiễm. Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học về an ninh môi trường và đảm bảo an ninh môi trường, xác định rõ các nguy cơ đe dọa đến an ninh môi trường và các giải pháp thích ứng. Đẩy mạnh công tác quản lý về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ và phát triển rừng. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức xã hội, nhất là cho người dân và doanh nghiệp về môi trường và an ninh môi trường, các quy định về bảo vệ môi trường trong các trường học, lớp bồi dưỡng kiến thức tập trung, trên các phương tiện thông tin đại chúng, Internet, mạng xã hội, nhằm sớm hình thành và thường xuyên củng cố ý thức bảo vệ môi trường cho mọi công dân và doanh nghiệp…