Theo dõi trên

Giải pháp nào cho sự thành công của 3 trụ cột ?

28/08/2023, 17:29

Công nghiệp - Du lịch và Nông nghiệp là 3 trụ cột kinh tế của tỉnh. Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025, 3 trụ cột trên đã có sự phát triển đúng hướng.

Để tiếp tục phát triển 3 trụ cột, thực sự tạo một thế kiềng 3 chân, mới đây tại Hội nghị sơ kết thực hiện Nghị quyết lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025, lãnh đạo của các ngành nông nghiệp, công thương, du lịch đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp với quyết tâm cao nhất nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ.

Phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao

data-news-2020-10-132183-thu-hoach.jpg
Thu hoạch lúa.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cụ thể hoá bằng Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 10/9/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (Khóa XIV) về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao. Toàn Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khẩn trương, tập trung thực hiện, nhất là sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, đổi mới mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được tổ chức thực hiện nghiêm túc, đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều hạn chế như việc liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị trong nông nghiệp còn hạn chế; chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh của một số mặt hàng nông sản trên thị trường còn thấp...

z4643760126695_fd98b62151045a0770fa8d89985f0825.jpg
Ông Mai Kiều - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Thời gian đến, để thực hiện các nhiệm vụ tốt hơn, ông Mai Kiều – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, sẽ tiếp tục tập trung tham mưu cụ thể hóa và triển khai thật hiệu quả Nghị quyết số 05 ngày 10/9/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao. Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng nâng cao giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới; khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn. Tuyên truyền chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường; Đẩy mạnh phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; thúc đẩy liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác theo hướng chuyên canh, hình thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tạo ra sản phẩm đồng nhất về chất lượng gắn với chế biến, tiêu thụ...

Tổ chức thực hiện tốt các chính sách, thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp

shutterstock_87317728-min-1.jpg

Từ năm 2020 đến nay, ngành công nghiệp của tỉnh tăng trưởng khá; giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) năm 2022 thực hiện 39.189,7 tỷ đồng, tăng 15,33% so năm 2020, với tốc độ tăng trưởng (GRDP) của ngành công nghiệp bình quân/năm (giai đoạn năm 2022 - 2023) là 7,29%. Cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, thu hút được nhiều dự án đầu tư công nghiệp có quy mô lớn, nhất là các dự án năng lượng. Tiềm năng về năng lượng được khai thác, phát huy tốt, công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng trưởng cao, thuộc nhóm ngành hoạt động hiệu quả nhất, đóng góp lớn trong nền kinh tế của tỉnh. Đây cũng là lĩnh vực đóng góp chủ yếu vào tốc độ tăng trưởng về giá trị tăng thêm của ngành, góp phần khẳng định ngành công nghiệp tiếp tục là động lực chủ yếu của tăng trưởng kinh tế tỉnh.

z4643760505637_9abfa1d64231878c8e5e6eba42097bf6.jpg
Ông Võ Văn Hòa – Giám đốc Sở Công thương Bình Thuận.

Tuy nhiên, hiện nay ngành công nghiệp tỉnh phát triển chưa đồng bộ, chưa đa dạng, tăng trưởng chủ yếu dựa vào công nghiệp năng lượng; công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành công nghiệp khai khoáng phát triển chậm, công nghiệp phụ trợ cho ngành năng lượng chưa phát triển. Để tháo gỡ các vướng mắc hiện nay nhằm góp phần phát triển ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ cho ngành năng lượng của tỉnh ngày càng bền vững hơn, ông Võ Văn Hòa – Giám đốc Sở Công Thương Bình Thuận đề xuất các giải pháp như: Tổ chức thực hiện tốt các chính sách, thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư tiếp cận tài chính, tín dụng, đất đai… Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp cho phù hợp với tình hình thực tế. Đổi mới, nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư, giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư của tỉnh. Tập trung nguồn lực, triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, chế biến khoáng sản, công nghiệp phụ trợ. Ngoài ra, đẩy mạnh thu hút, kêu gọi đầu tư tạo đột phá trong phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản gắn với các sản phẩm lợi thế của tỉnh như: Hải sản, nước mắm, thanh long, cao su... Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu phát triển, đổi mới công nghệ sản xuất, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng kênh phân phối trong và ngoài nước, nhất là hàng hóa chế biến...

Giữ vững hình ảnh du lịch Bình Thuận “An toàn - thân thiện - chất lượng”

dulich.baobinhthuan.com.vn-data-news-2020-4-7687-_bt.jpg

Du lịch Bình Thuận sau thời gian bị ảnh hưởng dịch Covid -19, trong 2 năm qua đã dần khôi phục và đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2023 đã có sự chuyển biến mạnh mẽ trên nhiều mặt, các chỉ tiêu du lịch đã có sự tăng trường ổn định, đạt được kế hoạch đề ra. Đặc biệt trong thời gian gần đây, Bình Thuận có sự tăng trưởng rất lớn về số lượng khách du lịch, nhất là sau khi được đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2023, “Bình Thuận - Hội tụ xanh” và thông tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết - Vĩnh Hảo giúp rút ngắn thời gian di chuyển của du khách đến Bình Thuận. Từ năm 2021 đến tháng 7/2023, toàn tỉnh đón 12.799.586 lượt, tăng bình quân 2,2 lần/năm (khách quốc tế tăng bình quân 2,8 lần/năm, khách nội địa tăng bình quân 2,2 lần), trong đó khách quốc tế khoảng 244.446 lượt, khách nội địa 12.555.140 lượt, doanh thu đạt 31.286 tỷ đồng.

z4643760300048_31de43ebfeae9c7259146fdef47b1cd6.jpg
Ông Bùi Thế Nhân - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận.

Với mục tiêu đặt ra là phấn đấu đến năm 2025, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là một trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đón 8,9 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm từ 10 - 12%. Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 23.300 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 từ 18 - 20%/năm. Phấn đấu đến năm 2030, xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Né trở thành 1 trong những điểm đến hàng đầu của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tạo động lực lan tỏa tới các khu vực khác trong tỉnh. Ông Bùi Thế Nhân - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận đã đưa ra nhiều giải pháp trọng tâm để phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng vật chất, kỹ thuật du lịch; xây dựng Bình Thuận là trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia, trong đó lấy khu vực Mũi Né và vùng phụ cận làm vùng trọng tâm, động lực lan tỏa đến các khu vực khác trong tỉnh. Giữ vững hình ảnh du lịch Bình Thuận “An toàn - thân thiện - chất lượng”, là một điểm đến hấp dẫn, thúc đẩy các dự án du lịch sớm triển khai, tạo ra những bước phát triển đột phá về mọi mặt cho ngành du lịch Bình Thuận. Đến năm 2025, du lịch Bình Thuận là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc...

BẢO NGỌC


(0) Bình luận
Bài liên quan
Đồng bộ các giải pháp đảm bảo ATGT trong tình hình mới
Đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT), giảm thiểu rủi ro thương vong do tai nạn giao thông (TNGT) luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương đặt lên hàng đầu, bởi nó liên quan trực tiếp đến tính mạng, tài sản, cuộc sống của nhân dân.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giải pháp nào cho sự thành công của 3 trụ cột ?